Việt Nam luôn mong muốn chia sẻ lợi ích nguồn nước với các quốc gia

Thứ sáu, 12/5/2017 | 19:27 GMT+7
Việt Nam luôn mong muốn chia sẻ lợi ích nguồn nước với các quốc gia  “Việt Nam luôn mong muốn chia sẻ lợi ích về nguồn lợi nguồn nước với các quốc gia” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam, nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn dự án thủy điện Pắc – Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Công, diễn ra sáng nay (12/5), tại TP.Cần Thơ.

.

ĐBSCL đang đói mặt vấn nạn thâm hụt trầm tích ngày càng trầm trọng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ quan điểm việc tiến hành các hoạt động tham vấn nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam, tôn trọng lợi ích các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, trên nguyên tắc, thông lệ, thỏa thuận giữa các bên thông qua Ủy hội Sông Mê Công quốc tế hướng dẫn, để có thể kiến nghị khắc phục những vấn đề còn bất cập nhằm mục đích hài hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, pháp lý và gìn giữ giá trị truyền thống mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết kế hoạch xây dựng công trình đập thủy điện Pắc – Beng trên lãnh thổ nước CHDCND Lào, là công trình thủy điện thứ 3 sau 2 đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công (Xayabury và DonSahong). Trong khi ở thượng nguồn Trung Quốc đã hoàn thành bậc thang thủy điện trên sông Lan Thương và Thái Lan đang gấp rút nghiên cứu triển khai các công trình chuyển nước sông Mê Công ở vùng Đông Bắc nước này. Chuỗi đập thủy điện này đã và đang có sự tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái lưu vực – đặc biệt đối với vùng ĐBSCL của Việt Nam nằm ở cuối nguồn với những ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún, khiến sinh kế của người dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ đe dọa rất đáng quan ngại, đặc biệt là tình trạng sạt lở sông Vàm Nao tại An Giang và nhiều địa phương khác đã và đang diễn ra ngày càng trầm trọng.

Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam, dự án này Lào đã chuẩn bị từ khoàng 20 năm nay. Công trình Pắc-Beng có công suất thiết kế 912 MW, điện lượng 4,765 GWh, chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan (90%). Chủ đầu tư là Công ty sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc. Vị trí dự kiến xây đập tại huyện Pắc Beng, tỉnh Oudomxay nằm phía trên đập Xayabury và ĐonSahong, cách thủ độ Viên Chăn 610km về phía thượng lưu và cách biên giới Việt Nam 1.933km. ĐBSCL của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động trên 7 lĩnh vực cơ bản, như: thủy văn – thủy lực; phù sa bùn cát; thủy sản, hệ sinh thái; chất lượng nước; kinh tế - xã hội; giao thông thủy; an toàn đập.

Thống nhất với nhận xét về dự án Pắc – Beng từ Hội thảo tham vấn tại Hà Nội (ngày 5/5), tại hội thảo này các nghiên cứu của nhóm chuyên gia đề cập khả năng công trình thủy điện Pắc - Beng gây nguy cơ suy giảm chất lượng nước, làm giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về phía hạ lưu dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, quan ngại đến sinh kế của gần 20 triệu người dân khu vực này. Tác động tích lũy của dự án Pắc - Beng cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Công có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL. Đồng thời, tác động xuyên biên giới của công trình thủy điện Pắc - Beng tới kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng gia tăng dần theo thời gian. Những biểu hiện về thay đổi chế độ dòng chảy và mức độ xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng có xu thế diễn biến bất thường và dự báo sẽ gia tăng do tác động của bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Công. Tác động tích lũy của Dự án Pắc - Beng sẽ làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn, tăng thêm mức độ ảnh hưởng cho khoảng 16 – 20% dân số ĐBSCL.

Theo tính toán của nhóm chuyên gia của Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, khi cả 3 công trình Xayaburi, Đôn Sa-hông, Pắc-Beng hoạt động, thì lượng nước tại Tân Châu - Châu Đốc - An Giang giảm tới 13% (thời đoạn 10 ngày), tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng. Như vậy sẽ tác động rất lớn lên lưu vực sông Cửu Long. Hiện tượng xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu sẽ tăng lên, lấn sâu vào từ 2,8 - 3,8 km. Còn nếu xét tác động tổng thể cả chuỗi 11 đập thủy điện thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng từ 10 - 18 km. Kèm theo giảm lượng dòng chảy là giảm lượng phù sa, bùn cát trong nước sông, gây xói lở mạnh ĐBSCL. Nếu cả chuỗi 11 thủy điện cùng được xây dựng, hoạt động thì tổng lượng phù sa, bùn cát ở ĐBSCL mất đến 65%. Tác động rất lớn đến đời sống người dân cũng như nền kinh tế của vựa lúa nước ta. Việc thay đổi dòng chảy tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản. Điều này chứng minh rõ khi có 8 thủy điện của Trung Quốc, sản lượng cá trên dòng Mê Kông giảm, trọng lượng cá cũng giảm, ít cá to. Khoảng 60% thành phần loài di cư bị giảm sút. Sản lượng cá hiện nay ở ĐBSCL rất thấp. Sản lượng nuôi cá ở đây cũng bị ảnh hưởng do chất lượng nước, dòng chảy thay đổi.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo các địa vùng ĐBSCL có nhiều ý kiến nhận xét về báo cáo đánh tác động của dự án còn thiếu dữ liệu, số liệu. Chưa tính đến tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn của Trung Quốc, chưa đánh giá rõ về động đất, chưa tính đến tác động lũy tích theo không gian và thời gian, cụ thể cần phải làm rõ đánh giá tác động xuyên biên giới và biến đổi khí hậu liên quan, đặc biệt là vùng ĐBSCL hình thành từ trầm tích lâu đời, tác động của thủy điện Pắc – Beng sẽ gia tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực đến ĐBSCL.

“Số liệu là vấn đề sống còn, đầu vào thế nào thì đầu ra thế đó, nếu số liệu đầu vào không có chất lượng thì đầu ra không có chất lượng và không thể có những giải pháp giảm thiểu tác động cũng như các biện pháp ứng phó cho ĐBSCL một cách phù hợp. Vậy nên đề nghị nước bạn Lào kéo dài thêm thời gian tham vấn, để chủ đầu tư bổ sung đầy đủ các thiếu sót về số liệu, dữ liệu trong báo cáo đánh giá tác động để tính toán những giải pháp giảm thiểu tác động một cách chính xác, đầy đủ, khả thi hơn” – Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nhấn mạnh.

Tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng trên cơ sở tôn trọng lợi ích giữa các quốc gia, tôn trọng môi trường và sinh kế người dân trong lưu vực chủ đầu tư dự án thủy điện Pắc – Beng cần phải chứng minh đánh giá tác động môi trường trên toàn lưu vực, nhất là cơ chế vận hành của đập Pắc – Beng, tích lũy từ đập này sang đập kia, tích lũy theo thời gian dây chuyền… và các tác động tiêu cực để quản lý tốt nguồn nước sông Mê Công để có giải pháp ứng phó giảm thiểu thiệt hại từ sự tác động của chuỗi đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cho ĐBSCL của Việt Nam.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị chủ đầu tư dự án thủy điện Pắc – beng và nước bạn kéo dài thời gian tham vấn để bổ sung thêm các dữ liệu, số liệu đánh giá rõ hơn các tác động trên 7 lĩnh vực cơ bản, như: thủy văn – thủy lực; phù sa bùn cát; thủy sản, hệ sinh thái; chất lượng nước; kinh tế - xã hội; giao thông thủy; an toàn đập;… nhằm quản lý tốt nguồn nước trên sông Mê Công, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái của dòng sông Mê Công vì lợi ích chung của các quốc gia trong lưu vực, đồng thời có giải pháp giảm thiểu tác hại cho ĐBSCL cũng như các quốc gia trong lưu vực và giảm thiểu thiệt hại về hiệu quả kinh tế cho chính chủ đầu tư, là xác đáng.

“Đây là vấn đề không chỉ riêng của Việt Nam mà của cộng đồng quốc tế, cần có tiếng nói chung. Các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học sẽ được tổng hợp đến Ủy hội sông Mê Công quốc tế để có tiếng nói chung” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam, nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng qua Hội thảo này cũng đã đề ra kiến nghị cần đi đến việc xây dựng một kịch bản ứng phó cho ĐBSCL về tác động của chuỗi đập thủy điện đã và sẽ hình thành trên dòng chính sông Mê Công.

 

Nhóm PV