Khoa học công nghệ

Việt Nam sắp có Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh

Thứ năm, 5/4/2018 | 10:20 GMT+7
“Việc khởi công công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam nhằm hiện thực hóa các chính sách quản lý Nhà nước về phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, đồng thời tạo ra nơi thăm quan bổ ích cho học sinh, sinh viên và giúp các thầy cô trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế về chuyển giao công nghệ và phát triển bền vững” là phát biểu của Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh tại Lễ khởi công công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam, tại Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội ngày 16/3/2018.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Trong đó, Bộ đã giao Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam, nhằm xây dựng cơ sở giảng dạy, học tập và nghiên cứu công nghệ xây dựng xanh, đồng thời là mô hình về công trình xanh tại Việt Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư 98,472 tỷ đồng, thời gian hoàn thành là 36 tháng, được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam nhằm tạo ra một trung tâm là điển hình của việc áp dụng công nghệ xanh tiên tiến của thế giới vào Việt Nam.

Công trình có các chức năng: Triển lãm, phòng truyền thống của nhà trường; khu học tập, đào tạo, mô hình các công nghệ xanh; hành chính và khối quản lý; phòng hội thảo; phòng thí nghiệm, thư viện; cafe, vườn treo, khu sinh hoạt cộng đồng; các chức năng khác.

Công trình được thiết kế với ý tưởng kiến trúc xanh. Một nửa khu vực mái có thể vào ra được và được bố trí một mái xanh, giúp giảm hiệu ứng nhiệt “đảo”. Hiệu ứng nhiệt “đảo” là một hiện tượng mà sự tập trung của kết cấu xây dựng và nhiệt từ các hoạt động của con người làm cho lớp vỏ công trình trong khu vực thành phố nóng hơn so với ở nông thôn.

Đối với công trình này, bê tông và các vật liệu tổng hợp khác tích trữ và giải phóng nhiệt từ năng lượng mặt trời, đất và cây xanh đóng vai trò làm mát không khí thông qua các hiện tượng như bốc hơi và bay hơi của đất.

Mái xanh cũng mang lại lợi ích trong việc quản lý nước mưa. Ngoài ra, mái xanh cũng giúp cách nhiệt, làm giảm nguy cơ quá nhiệt và tiêu thụ năng lượng khi làm mát tòa nhà.

Công trình còn được lắp đặt một giàn thu nhiệt hấp thụ nhiệt qua ánh sáng mặt trời, chuyển đổi năng lượng từ mặt trời thành nhiệt năng thông qua hệ thống làm nóng bằng nước. Năng lượng này có thể được sử dụng cho mục đích đun nước, làm ấm nước bể bơi, sưởi ấm hoặc thậm chí điều hòa không khí.

Để đảm bảo hiệu suất năng lượng tối đa, công trình trang bị hệ thống sản xuất địa nhiệt gắn liền với các tấm sàn/trần, được gọi là CCA (Concrete Core Activation - Bê tông hoạt hóa).

Theo ước tính, hệ thống này sẽ cung cấp nhiều nhất 90kW làm mát và khoảng 30kW làm nóng. Vào mùa lạnh, nước ngầm được bơm lên từ một giếng ở nhiệt độ 26 độ C. Một bơm nhiệt sẽ vận chuyển hơi nóng ra ngoài tòa nhà, làm nóng nước ngầm lên 30 độ C. Sau đó, nước được bơm trở lại lòng đất. Để bảo toàn điều kiện đất và nước ngầm, nước sẽ không tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị Bùi Hồng Huế cho biết: Công trình có quy mô 5 tầng, diện tích xây dựng 903m2, diện tích sàn xây dựng 3.875m2, với nhiều hạng mục và giải pháp tiết kiện năng lượng, điều khiển thông minh lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

Công trình sẽ được sử dụng làm nơi đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên trong lĩnh vực công nghệ Xây dựng xanh tại Việt Nam.

Đồng thời, là nơi trình diễn hợp phần tiết kiệm năng lượng, điều khiển tòa nhà thông minh, góp phần tăng cường năng lực đào tạo và là một điểm nhấn quan trọng cho cảnh quan, khuôn viên của nhà trường.

Theo cam kết của chủ đầu tư, sau 36 tháng thi công, dự án sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành Xây dựng nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế về chuyển giao công nghệ và phát triển bền vững.

Theo báo Xây dựng