Xem xét có nên tiếp tục đầu tư vào đường sắt cao tốc

Thứ tư, 29/1/2020 | 09:00 GMT+7
Trong lễ công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đưa ra băn khoăn: liệu giữa đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc thì cần thiết tập trung chú trọng vào hệ thống nào.

Mạng lưới giao thông của Việt Nam đã được mở rộng đáng kể trong những thập kỷ qua, cải thiện khả năng kết nối của tất cả các địa phương với các cửa ngõ giao thương quan trọng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Không có quốc gia nào trên thế giới với quy mô tương đương như Việt Nam mà có độ mở lớn như hiện nay. Với hơn 517 tỷ USD từ xuất nhập khẩu, bằng khoảng 190% GDP, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất lớn về chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu nhờ giao thông vận tải”.

Việc mở rộng mạng lưới đường bộ, đặc biệt là sự mở rộng của khoảng 1.000km đường cao tốc, đã rút ngắn khoảng cách kinh tế cho nhiều nơi trên khắp cả nước. Theo đó, hệ thống giao thông giúp kết nối các khu vực kinh tế, từ đó đẩy mạnh quá trình trao đổi giữa các vùng.

Tuy nhiên, trong lễ công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng đưa ra câu hỏi cân nhắc, theo truyền thống thì giao thông vận tải sẽ là cái đi trước và mở đường, ví dụ như khi làm đường cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai, nhiều người cho rằng làm đường xong thì làm gì có ai đi. Nhưng thực tế, con đường hoàn thành đã đẩy mạnh tốc độ phát triển của các tỉnh miền núi phía Bắc, số lượng phương tiện giao thông trên tuyến đường này đã tăng lên rất nhanh. Nhiều khi, hành lang giao thông sẽ giúp tạo ra các cụm công nghiệp mới, tạo ra chuỗi giá trị mới.

"Giao thông vận tải không chỉ phục vụ cho thương mại và sản xuất nên cần phải có những chính sách, chiến lược về kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng công nghiệp hiện đại", Phó Thủ tướng phát biểu

Trong hệ thống giao thông Việt Nam hiện nay, phần lớn chỉ có kết nối trục đường Bắc – Nam, bao gồm: tuyến đường bộ - Quốc lộ 1, đường sắt, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu phát triển nhiều hơn theo hành lang Đông – Tây để phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, du lịch biển. Để không bị vô hiệu hóa các hạ tầng kết cấu quan trọng, Chính phủ cần mở rộng giao thông theo hướng Đông - Tây để phát triển hệ thống cảng biển, mở rộng giao thương với quốc tế, chứ không chỉ theo trục Bắc – Nam vận chuyển hàng hóa nội địa. 

Về vận tải đa phương thức, trước đây các mặt hàng xuất khẩu thô như: nông sản, quặng, tài nguyên thì tỷ trọng vận chuyển đa phần bằng đường bộ và đường cảng quốc tế. Nhưng đầu tư cho đường thủy nội địa còn chiếm tỷ trọng thấp, hiệu quả của các dự án đầu tư nước ngoài và trong nước còn chưa đáp ứng được. Như vậy, nhu cầu về kết cấu hạ tầng là rất quan trọng.

Cụ thể, nước ta có gần 16.000km vùng nước có thể đáp ứng yêu cầu hoạt động của xà lan nhưng chỉ khoảng 15% (khoảng 2.600km) có thể chứa được trọng tải hơn 300 tấn. Tương tự, hiện có tới 254 cảng và hơn 4.000 bến thủy trên mạng lưới đường thủy quốc gia kể từ năm 2017 nhưng chỉ có khoảng 11 cảng nội địa ở khu vực phía Bắc và khoảng 18 cảng ở khu vực phía Nam để đảm đương khối lượng hàng hóa.

Có thể nói, hệ thống cơ sơ hạ tầng cho giao thông đường bộ và đường thủy của Việt Nam hiện còn ít, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển và trao đổi hàng hóa trong nước cũng như quốc tế. Do đó, tiềm lực phát triển kinh tế tiếp tục bị kìm nén.

Trong khi đó, đường sắt cao tốc đang được chú trọng lại chỉ vận tải được hành khách, thời gian xây dựng lâu, chi phí cao. Nhiều nước hiện nay đã không còn tập trung vào đường sắt cao tốc mà hướng về đường bộ, điển hình như Mỹ. Phó Thủ tướng băn khoăn: Hiện giờ, Việt Nam chỉ mới có vài nghìn km đường sắt cao tốc mà còn chưa hoàn thành, vậy giờ nên ưu tiên đầu tư cái gì cho Việt Nam trong tài khóa 5 năm sắp tới? Sẽ bỏ ra mấy chục tỷ USD để làm đường sắt và có cạnh tranh được với hàng không giá rẻ hay không? Cái gì cần thiết hơn?

Ngọc Huyền