Xu thế phát triển đô thị thông minh

Thứ ba, 7/8/2018 | 10:12 GMT+7
Hiện nay, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Do đó, phát triển đô thị xanh - thông minh sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, hiện nay, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Do đó, phát triển đô thị xanh - thông minh sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia, vì những lợi ích thiết thực trong quản trị đô thị và nâng cao chất lượng đô thị. 

Những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và nhiều thành phần kinh tế trong xã hội đã nỗ lực nghiên cứu, khai thác, ứng dụng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam ở nhiều cấp độ khác nhau.

Trước xu thế chung về phát triển đô thị thông minh trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, Việt Nam xác định, phát triển đô thị thông minh là một nội dung để thực hiện đột phá.

Ở Việt Nam, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nghiên cứu Đề án Đô thị thông minh; trong đó có sự tham gia của các bộ, ngành, nhằm lựa chọn những mô hình, giải pháp phát triển đô thị thông minh phù hợp với điều kiện thực thế trong nước.

Đô thị xanh - thông minh được xem là một mô hình phát triển đô thị ưu việt, là mục tiêu hướng đến của các nhà quản lý đô thị, chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng 4.0 hiện nay.

Dự báo, đến năm 2050, dân số tập trung tại đô thị sẽ tăng lên đến 70%. Những ưu thế về hạ tầng cùng các cải cách thời gian qua chính là ưu thế để Việt Nam tận dụng trong phát triển đô thị thông minh. 

Tiếp cận xây dựng đô thị thông minh của các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông trong thời gian qua đã có những kết quả được ghi nhận.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh, hướng dẫn các nội dung và các bước thực hiện lập đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số tiêu chuẩn trên cơ sở tiếp thu các tiêu chuẩn của ISO về phát triển đô thị thông minh...

Cùng đó, nhiều doanh nghiệp đã nhập cuộc. Tập đoàn Viettel đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề xuất Khung kiến trúc tổng thể xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam với 6 trụ cột và 18 lĩnh vực chuyên ngành.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ trưởng thành đô thị thông minh và áp dụng để xây dựng đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh tại các địa phương. Đây là những tiền đề rất quan trọng để xem xét tiến hành các bước đi tiếp theo ở cấp quốc gia. 

Thuận lợi trong thời gian qua là việc Chính phủ đã và đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%); trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4.

Các tập đoàn, tổng công ty viễn thông, công nghệ thông tin (VNPT, Viettel, FPT, CMC,...) đã đẩy mạnh thành lập các đơn vị chuyên sâu về đô thị thông minh, nghiên cứu làm chủ và phát triển, ứng dụng các công nghệ, giải pháp về đô thị thông minh. 

Trong xã hội, việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng trên mạng xã hội đang dần trở nên khá phổ biến và rất đa dạng, thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Chính sự tương tác này cũng hỗ trợ cho chính quyền các địa phương trong phát triển đô thị thông minh. 

Nắm bắt xu thế phát triển mới, từ năm 2015, thành phố Đà Nẵng đã sớm phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn và tổ chức triển khai trên toàn thành phố. Tỉnh Bình Dương đã chủ động hợp tác với đối tác Hà Lan triển khai xây dựng đô thị thông minh áp dụng mô hình 3 nhà - Triple Helix (nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp). 

Trên cả nước hiện đã có gần 30 địa phương ký kết biên bản hợp tác với các đối tác là các tập đoàn, tổng công ty công nghệ viễn thông lớn như VNPT, Viettel để xây dựng Đề án đô thị thông minh; trong đó nhiều địa phương đã phê duyệt và tổ chức thực hiện như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). 

Các chuyên gia quốc tế trình bày các giải pháp xây dựng đô thị thông minh cho Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/6/2018. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tích lũy nhiều kinh nghiệm và năng lực sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới. Các ngành kinh tế - xã hội trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị đã và đang không ngừng lớn mạnh.

Đặc biệt, thành tựu về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng internet và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh.

Thứ hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI) của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước. Xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin đứng thứ 3/139 nước. Việt Nam là quốc gia có giá dịch vụ internet băng thông rộng thấp nhất thế giới. 

Hạ tầng, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đưa vào vận hành các quỹ về phát triển, đổi mới công nghệ. Lực lượng doanh nghiệp công nghệ, thông tin, truyền thông đã hình thành nhiều đơn vị lớn mạnh, có vị thế quốc tế như VNPT, FPT, Viettel ...

Tuy nhiên, thực tế phát triển đô thị của Việt Nam nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng cũng đang có những khó khăn, bất cập. Các cách tiếp cận và phương pháp truyền thống trong quản lý, phát triển đô thị đã bộc lộ những bất cập, hạn chế.

Thực tiễn phát triển đô thị trong nước cũng như tình hình và xu thế trên thế giới đã đặt ra yêu cầu đòi hỏi cần có sự đổi mới, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đột phá áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông ICT trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

Phát triển đô thị xanh - thông minh cần kinh phí đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước không thể chi trả cho tất cả các nguồn đầu tư. Bởi vậy, một trong những giải pháp là vận dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Hiện nay, PPP là hình thức đầu tư hiệu quả và phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và được đánh giá là cách giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quốc Hữu - Kiến trúc sư trưởng về Smart City (Tập đoàn Viettel) bày tỏ: “Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ở hình thức đối tác công tư - đây là hình thức hợp lý để huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt sẽ thu hút được cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia  xây dựng đô thị thông minh.

Kinh nghiệm quốc tế từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Điển... cũng cho thấy các nhà đầu tư tư nhân có rất nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý phát triển đô thị hiệu quả và thành công hơn".

Không chỉ vậy, để phát triển đô thị thông minh đang rất cần sự nhập cuộc của cả người dân và doanh nghiệp. Ông Larry Ng - Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế Đô thị, Cục Tái thiết Phát triển Đô thị (URA), Bộ Phát triển quốc gia Singapore cho rằng, việc lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình và các giải pháp phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển các đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề của quốc gia mà còn cần sự đóng góp của cả doanh nghiệp và người dân.

Khi người dân được thông tin đầy đủ, có phương tiện để tiếp cận với chính quyền, họ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chung tại nơi mình sinh sống. Việc xây dựng mối quan hệ với mỗi người dân là điểm mấu chốt trong phát triển hệ sinh thái thành phố thông minh, để từ đó tạo nên một xã hội thông minh.

Theo TTXVN