Điện hạt nhân

Bài học thành công từ Hàn Quốc

Thứ sáu, 14/10/2016 | 15:45 GMT+7
Là một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ điện hạt nhân (ĐHN) lớn của thế giới, bài học thành công của Hàn Quốc sẽ là kinh nghiệm có giá trị đối với những quốc gia đang bắt đầu khởi động chương trình phát triển ĐHN.

Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), chương trình ĐHN của Hàn Quốc được khởi động cách nay gần sáu thập kỷ. Năm 1958, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc được thành lập và khoa đào tạo kỹ thuật hạt nhân trình độ đại học đầu tiên được mở để đào tạo kỹ sư hạt nhân cho những dự án điện trong tương lai. Từ năm 1964-1966, Hàn Quốc bắt đầu đánh giá và lựa chọn địa điểm, năm 1971 nhà máy ĐHN đầu tiên được khởi công và bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 1978.

Hiện, Hàn Quốc đang vận hành 23 lò phản ứng phát điện với công suất 20.716 MW, đưa ĐHN chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện. ĐHN giúp Hàn Quốc cân bằng chính sách năng lượng trong bối cảnh các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện, thủy điện, điện khí… đang cạn kiệt. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có công nghệ ĐHN có thể xuất khẩu.

Một trong những lò phản ứng hạt nhân tại Hàn Quốc

Theo đánh giá của WNA, để có được thành công đó, Hàn Quốc đã xây dựng và triển khai chương trình ĐHN quốc gia với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ, sự đồng thuận của công chúng cùng với việc xây dựng những kế hoạch dài hạn. Ngay từ giai đoạn đầu, quốc gia này đã có sự đầu tư lớn về tài chính, nhân lực và thời gian trong phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN ở mức cao. Chương trình ĐHN cũng luôn là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Thành công của chương trình ĐHN góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế giúp Hàn Quốc tạo ra đủ nguồn vốn để xây dựng những nhà máy khác.

Hàn Quốc cũng tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác quốc tế nhằm xây dựng năng lực kỹ thuật và nhận được hỗ trợ về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong quá trình phát triển ĐHN, Hàn Quốc còn thuê một công ty tư vấn nước ngoài để có được sự bảo đảm về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra những quyết định quan trọng. Đặc biệt, Hàn Quốc rất chú trọng tới công tác an toàn ĐHN, bằng việc sớm xây dựng một khuôn khổ pháp quy cũng như xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân. Ngay khi đề xuất kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN, chính phủ nước này đã triển khai ngay việc tìm kiếm địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ. Đồng thời, có chiến lược nhằm bảo đảm nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo hạt nhân quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc đã bảo đảm vị trí cao, mức lương hấp dẫn và đưa ra môi trường làm việc tốt để thu hút nhân lực có trình độ ở các lĩnh vực khác.

Mặt khác, Hàn Quốc cũng đã có kế hoạch nội địa hoá nhà máy ĐHN và tăng cường vai trò của công nghiệp nội địa dưới dạng làm nhà thầu phụ cho nhà thầu chính nước ngoài. Việc tiếp cận quá trình chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc bắt đầu với cách “đào tạo trong khi làm việc” và “tham gia trong khi làm việc” dưới sự chỉ đạo của các nhà cung cấp nước ngoài. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã dần thành lập các công ty trong nước để thiết kế, xây dựng và sản xuất các cấu kiện phục vụ chương trình ĐHN. Mỗi công ty thường kết hợp với các viện nghiên cứu được giao kế hoạch nội địa hoá 1 nhà máy ĐHN.

Hàn Quốc coi năng lượng hạt nhân vẫn là ưu tiên chiến lược trong ít nhất 2 thập kỷ tới và dự kiến công suất ĐHN sẽ đạt 37.000 MW, chiếm khoảng 35-40% tổng điện năng sản xuất ra vào năm 2029, đồng thời duy trì mức độ này đến năm 2035.

PV/Long Nguyễn