Văn hóa, du lịch

Bảo tàng khảo cổ sống động dưới lòng Nhà Quốc hội

Thứ sáu, 20/5/2016 | 15:34 GMT+7
Mới được giới thiệu đến một số đại biểu và nhà nghiên cứu chiều 19/5, trưng bày khảo cổ học dưới lòng Nhà Quốc hội với hàng trăm hiện vật khảo cổ sẽ sớm đến với công chúng trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn đại biểu tham quan khu trưng bày tại tầng hầm 2 và tầng hầm 1, tòa Nhà Quốc hội chiều 19/5. Trong báo cáo ngắn gọn trước đó, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, khu trưng bày được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ, nội dung được lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật “có khả năng diễn giải cao về những phát hiện khảo cổ học”.

Người xem bắt đầu với tầng hầm 2, diện tích gần 2.000 m2, nơi trưng bày những phát hiện khảo cổ về thời kỳ Tiền Thăng Long (thế kỷ 7 - 9). Di tích nền móng kiến trúc, giếng nước nguyên gốc, mộ ngựa, được tái tạo trưng bày dưới mặt sàn. Khách tham quan có cảm giác đứng giữa công trường khai quật. Tại không gian này, người xem có thể khám phá những dấu tích của 17 công trình kiến trúc gỗ, 7 giếng nước và nhiều di vật, đồ dùng sinh hoạt từ thời Đại La, hoặc kiến trúc gỗ thời Đinh - Tiền Lê.

Thời kỳ Thăng Long nằm ở không gian 1.700 m2 tầng hầm 1, bao gồm nhiều di tích và di vật thời Lý, Trần, Lê. Những người thực hiện tái tạo cung điện thời Lý dưới mặt sàn giống như bối cảnh khai quật. Với sự hỗ trợ của hệ thống 42 cột ánh sáng làm nổi bật kiến trúc công trình cung điện gồm 42 móng trụ to thời Lý. Hàng trăm di vật trong không gian này gồm vật liệu kiến trúc như lá đề trang trí hình rồng phượng, đến đồ dùng sinh hoạt hoàng cung thời Lý, hay các loại ngói lợp mái thời Trần, đồ gốm quý của vua và hoàng hậu.

Chống gậy đi một vòng hai tầng hầm không phải để hiểu hết nội dung trưng bày, bởi PGs.Ts. Hoàng Văn Khoán chẳng lạ gì các kết quả khai quật, song ông muốn tận thấy phương pháp thể hiện. “Tôi cho rằng một trong những thành công của trưng bày là tính chân thực, hiện vật nguyên gốc chứ không bị lồng vào ý chủ quan của người làm trưng bày”, ông nói. Trưng bày đặt trong không gian tầng hầm Nhà Quốc hội được các nhà chuyên môn đánh giá hợp lý, có sự tiếp nối ý nghĩa.

“Nếu đi chậm, đi hết, người ta có thể hình dung được cả tiến trình lịch sử  lâu dài, đậm nét nhất là Lý, Trần, Lê”, ông Khoán nói. Ông đánh giá cao phương pháp thể hiện, bởi không chỉ có thông tin in trên những tấm bảng lớn, người xem vừa nhìn thấy dấu vết di tích liên kết với di vật, được sự hỗ trợ thêm của công nghệ ánh sáng, 3D, đa phương tiện như trò chơi tìm hiểu khảo cổ, phòng chiếu phim sức chứa 60 người.

Hiện vật, di tích và công nghệ hiện đại tạo nên không gian trưng bày khảo cổ sống động.

Sức mạnh công nghệ ánh sáng giúp người xem hình dung diện mạo của nhiều công trình, rõ nét nhất như cung điện lớn thời Lý. PGs.Ts. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành khi dẫn đoàn đến những hàng chân tảng giải thích: Ánh sáng trắng xanh chiếu vào các móng trụ sỏi kiến trúc thời Lý dưới mặt sàn, làm hiện lên hoa văn hoa sen, sau đó ánh sáng chuyển sang màu đỏ thể hiện cho hàng cột gỗ mọc trên chân tảng. Hay không gian tái hiện phong tục chơi chim độc đáo, từ cái cóng cho chim ăn có hẳn hình vẽ 3D tái hiện con chim trong lồng, có thể cất tiếng hót.

“Tôi thấy bảo tàng rất hay, rất mới về mặt trưng bày. Hiện vật khảo cổ học khó nói, khô khan nhưng cách diễn giải trình bày làm cho nó rất sống”, PGs.Ts. Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nói. Ông được tham quan khu trưng bày này trước ngày khai mạc, thấy cảm động trước hệ thống trưng bày một cách khoa học, công phu. “Tôi thấy may mắn vì lãnh đạo của ta đầu tư ra tấm ra miếng, nếu không có kinh phí thỏa đáng thì sẽ không có được không gian trưng bày đẹp, hay và hiện đại như thế. Đây cũng là mô hình hay, hiện đại nhất đến nay, đáng để các bảo tàng, trưng bày sau học hỏi”, PGs.Ts. Nguyễn Văn Huy nói thêm.

Nguồn: Tiền phong Online