Cuộc sống xanh

Chiến lược quốc gia phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng năm 2030

Thứ năm, 30/8/2018 | 10:55 GMT+7
Muốn phát triển công trình xanh (CTX) ở nước ta một cách mạnh mẽ, vững chắc và hiệu quả thì trước tiên phải tạo lập và phát triển thị trường bất động sản về công trình xanh.

Cần phải tiến hành tuyên truyền, phổ biến một cách rộng rãi về các lợi ích to lớn của công trình xanh đem lại đối với người đầu tư xây dựng, người mua, người bán hay người thuê công trình xanh, cũng như lợi ích về mặt bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của công trình xanh mang lại đối với toàn xã hội, nhằm mục đích kích cầu phát triển thị trường bất động sản về xây dựng công trình xanh mới cũng như cải tạo các công trình hiện có thành các công trình xanh. 

Công trình xanh (CTX) là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, giai đoạn sử dụng, vận hành, cho đến giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.

Việt Nam là đất nước có chiều ngang hẹp, chạy dài theo phương kinh tuyến, dọc theo bờ biển Đông, phần đất liền kéo dài từ vĩ độ 23 xuống đến 8 độ vĩ độ Bắc, được phân chia thành các vùng khí hậu khác nhau. Ngoài ra, nước ta còn có hơn 3.000 hòn đảo, nhiều đảo lớn đang phát triển thành các trung tâm kinh tế du lịch. Do đó, công trình xanh cần phải hài hòa với thiên nhiên và phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng khí hậu.

Đẩy mạnh phát triển công trình xanh ở nước ta không phải chỉ là sự hòa nhập với trào lưu phát triển CTX trên thế giới, mà chính là để đảm bảo phát triển bền vững ngành xây dựng – kiến trúc của nước ta, thực thi pháp luật về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành Xây dựng, thực thi Chương trình Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện Chiến lược Quốc gia về “Tăng trưởng xanh”. Trong Chiến lược “Tăng trưởng xanh” đã đặt ra nhiệm vụ đối với ngành Xây dựng là phát triển đô thị xanh và công trình xanh.

Vì vậy trong các năm 2012 – 2014 Bộ Xây dựng đã giao cho Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Dưới đây là một số các nội dung cơ bản của Dự thảo cuối cùng của Chiến lược này.

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

Mục tiêu từ nay đến năm 2020, ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan và các chính sách khuyến khích, ưu đãi để phát triển CTX. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về CTX, để toàn dân hưởng ứng phát triển CTX và các nhà đầu tư và kinh doanh xây dựng tích cực tham gia.

Đạt tỷ lệ khoảng 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt các tiêu chí CTX và khoảng 20% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí CTX.

Giảm mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình tính bình quân trên 1m2 sàn nhà khoảng 10 -15% so với năm 2010, tương ứng giảm mức phát thải khí nhà kính khoảng 10 – 15% so với năm 2010.

Định hướng từ 2021 đến năm 2030, phấn đấu đưa hoạt động phát triển CTX trở thành hoạt động thường xuyên của ngành Xây dựng. Một số tiêu chí kỹ thuật cơ bản của CTX trở thành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc áp dụng.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ khoảng 50% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt các tiêu chí CTX và khoảng 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân đạt các tiêu chí CTX.

Giảm mức tiêu thụ năng lượng tính bình quân trên 1m2 sàn nhà từ 5 – 10% so với năm 2020, tương ứng giảm mức phát thải khí nhà kính từ 5 – 10% so với năm 2020.

NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CTX

Muốn phát triển CTX ở nước ta một cách mạnh mẽ và vững chắc thì trước tiên phải tạo lập và phát triển thị trường bất động sản về CTX. Cần phải tiến hành tuyên truyền, phổ biến một cách rộng rãi về các lợi ích to lớn của CTX đem lại đối với người đầu tư xây dựng, người mua, người bán hay người thuê CTX, cũng như lợi ích về mặt bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của CTX mang lại đối với toàn xã hội, nhằm mục đích kích thích nhu cầu (kích cầu) phát triển thị trường bất động sản về xây dựng CTX mới cũng như cải tạo các công trình hiện có thành các CTX. Chuyển đổi thị trường xây dựng CTX từ chỗ chỉ có một vài người cấp tiến và một số ít nhà lãnh đạo quan tâm trở thành một trào lưu chủ đạo về phát triển CTX của xã hội.

Nhà nước cần phải đề ra các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi về kinh tế như miễm giảm một số loại thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục xét duyệt dự án đầu tư xây dựng CTX để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra thị trường bất động sản về CTX sôi động.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX. Từng bước chỉnh sửa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành có liên quan đến CTX, cũng như xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới nhằm “xanh hóa” ngành xây dựng-kiến trúc, phù hợp với các chính sách phát triển xây dựng tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước và tài nguyên vật liệu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX ở nước ta. Tiến hành đánh giá tình hình thực tế về sự tuân thủ các quy chuẩn. Thiết kế và xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX ở nước ta.

Xây dựng bộ tiêu chí CTX để làm cơ sở thiết kế, đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ CTX. Cần phải xây dựng và công bố rộng rãi bộ tiêu chí đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ CTX để làm căn cứ lựa chọn phương án thiết kế và xây dựng CTX phù hợp, đồng thời cũng là cơ sở phân tích đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ CTX của Việt Nam. Bộ tiêu chí CTX phải có khuyến khích áp dụng, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến dần từ thấp lên cao, theo kịp với trình độ của thế giới. Các yêu cầu cơ bản của bộ tiêu chí CTX là:

– Phù hợp với điều kiện thiên nhiên và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Việt Nam, CTX phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, hòa mình với không gian cây xanh.

– Sử dụng tài nguyên năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả.

– Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và có hiệu quả.

– Phát triển sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và vật liệu địa phương, vật liệu tái sinh, tái chế.

– Không gây ra tác động xấu đối với môi trường xung quanh và đảm bảo chất lượng môi trường sống tốt nhất cho người sử dụng công trình.

– Quản lý công trình “thông minh”.

Nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh. Muốn phát triển CTX nhanh và vững chắc thì cần phải đào tạo lại, bổ túc kiến thức đối với các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng, các kỹ sư môi trường hiện đang hoạt động, cũng như đào tạo các thế hệ kiến trúc sư và các thế hệ kỹ sư xây dựng, kỹ sư môi trường tương lai về các kỹ năng và nguyên tắc thiết kế, công nghệ xây dựng CTX. Hình thành một đội ngũ chuyên gia năng động về thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh, làm nền tảng cho sự thành công của phát triển các sáng kiến về CTX của Việt Nam.

Các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước cần được thiết kế và xây dựng đạt các tiêu chí CTX để làm gương đi đầu thúc đẩy cho khu vực đầu tư tư nhân noi theo.

Phát triển sử dụng vật liệu tái sinh, vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong xây dựng công trình xanh. Cải thiện nguồn cung cấp và giảm thiểu chi phí trong chế tạo các sản phẩm vật liệu và cấu kiện xây dựng thân thiện với môi trường; Phát triển sử dụng vật liệu không nung, vật liệu nhẹ, vật liệu hàm chứa năng lượng thấp:

– Sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, tối đa hóa việc sử dụng vật liệu địa phương, sử dụng tiết kiệm vật liệu xây dựng, nhất là đối với vật liệu không thể tái sinh và hạn chế chất thải thải ra môi trường.

– Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu không phát sinh chất ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe của con người (vật liệu xanh).

– Phát triển sử dụng vật liệu nhẹ, vừa có khả năng cách nhiệt tốt, vừa giảm tải trọng tự thân của công trình, do đó giảm chi phí cho kết cấu chịu lực và nền móng công trình.

– Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải xây dựng trong CTX.

Sử dụng trang thiết bị trong nhà có hiệu quả năng lượng.Tận dụng sử dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho công trình. Chỉ sử dụng ánh sáng nhân tạo, khi nguồn ánh sáng tự nhiên không đủ. Thiết kế hệ thống chiếu sáng nhân tạo có hiệu quả năng lượng liên quan đến các nội dung sau đây:

– Lựa chọn hệ thống chiếu sáng khoa học, hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu định lượng về chất lượng chiếu sáng với tiêu hao năng lượng thấp nhất.

– Thay thế các nguồn sáng có hiệu suất thấp hiện nay bằng các nguồn sáng có hiệu suất cao (các loại bóng đèn compact, các loại đèn LED…

– Lắp đặt hệ thống điều khiển chiếu sáng tự động.

Tận dụng thông gió tự nhiên và lựa chọn hệ thống điều hòa không khí (ĐHKK) tiết kiệm năng lượng:

– Lựa chọn hệ thống ĐHKK hợp lý cho công trình.

– Nâng cao hiệu suất năng lượng của hệ thống; Lập chương trình vận hành hợp lý của hệ thống ĐHKK để tận dụng tối đa thông gió tự nhiên, không đặt nhiệt độ không khí trong phòng thấp hơn 25 – 26oC.

Lựa chọn các loại thiết bị khác trong nhà, như các loại thiết bị thông tin, văn phòng, tủ lạnh, bơm nước, nấu nướng, thang máy… có hiệu suất sử dụng năng lượng cao.

Áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong CTX.

Sử dụng nguồn nước tiết kiệm và có hiệu quả, tái sử dụng nước; Sử dụng thiết bị dùng nước tiết kiệm; Tích trữ và sử dụng nước mưa; Tái chế và tái sử dụng nước thải.

Hướng dẫn cho toàn dân biết cách quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX. Tính năng ưu việt của CTX về hiệu quả kinh tế, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và môi trường, không chỉ phụ thuộc vào người thiết kế, người xây dựng, mà còn phụ thuộc vào người sử dụng công trình. Việc quản lý vận hành các hệ thống và thiết bị trong CTX phải được giám sát và quản lý thông minh,

Có kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ đối với tất cả các hệ thống, đặc biệt là hệ thống điều hòa không khí, thang máy và bơm, quạt;

– Đổi mới các thiết bị cũ bằng các thiết bị tiêu thụ ít năng lượng hơn, có hiệu suất cao hơn, tuổi thọ dài hơn;

– Lắp đặt đầy đủ các hệ thống kiểm soát năng lượng, kiểm soát nhiệt độ và kiểm soát ánh sáng cho các tầng của tòa nhà, đối với các công trình lớn, phức tạp cần phải lắp đặt hệ thống tự động quản lý tòa nhà BMS (Building Management System).

 

 

 

Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam