Văn hóa, du lịch

“Còn tình yêu ở lại” với nhà thơ Nguyễn Đình Chiến

Thứ sáu, 23/9/2016 | 14:35 GMT+7
Trái tim nhà thơ Nguyễn Đình Chiến dào dạt cảm xúc, dường như ông yêu tất cả trên đời, yêu từ nhành cây ngọn cỏ, những nếp nhà trong sương lam, những kỷ niệm tuổi thơ và những năm dài chiến đấu. Tình yêu ông dành cho văn chương giống như ngọn lửa bập bùng trong trái tim người lính, trái tim thi nhân – vĩ đại và giàu lòng yêu nước, yêu người và yêu thương cuộc đời.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến (1952-2014) tại thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Người Bạn Đường. Ông còn là một sỹ quan quân đội, từng làm phóng viên tại báo quân đội nhân dân.

NSUT Lê Chức, TS. Phạm Vĩnh Cư và dịch giả Thúy Toàn.

Những vần thơ ông viết ngày còn chiến đấu thẫm đẫm tinh thần yêu nước, thương đồng đội, bền gan vững chí diệt thù. 17 tuổi, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến khai tăng thêm một tuổi, nhét đá vào túi quần để đủ cân nặng đi bộ đội. 18 tuổi ông được kết nạp Đảng tại chiến trường. Luôn xuất sắc trong các nhiệm vụ được giao, người lính ấy ôm súng xông pha nơi chiến trận.

Đối diện với đạn bom, trái tim thi nhân vẫn hướng về những điều bình dị, nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương, nhớ những đôi bàn chân bé nhỏ trên cánh đồng chiều. Nhớ gốc rạ và mảnh vườn, nhớ rừng cọ đồi chè và những bóng dáng thân quen sau lũy tre làng. Ông thương từng nhành cây ngọn cỏ, thơ ông ru những người nằm xuống, vực dậy tinh thần chiến đấu cho bao người ở lại.

“Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài

Nay đứng trước các em, anh thấy mình rõ nhất

Thấy tan đi những suy tư vụn vặt

Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng

Cho anh về sống lại những đêm

Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc

Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất

Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em

Vẫn còn đây tiếng hát hồn nhiên

Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác

Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt

Em đập sóng thia lia cho dậy ánh trăng vàng

Các em đi khi mười tám còn xuân

Và để lại những trái tim trong trắng...”

Đó là những vần thơ trong bài thơ “Gặp lại các em”. Bài thơ đã đạt giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1981-1982 mà chủ khảo là nhà thơ Xuân Diệu. Ông là lính chiến đấu thuộc các Sư đoàn 304, 305, tham gia nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là những trận chiến đấu quyết liệt, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc.

Cố nhà thơ Nguyễn Đình Chiến (Phải) và nhà thơ Tố Hữu.

Hết chiến tranh, Nguyễn Đình Chiến trở về Học viện Chính trị Quân sự và trở thành giảng viên Triết học. Năm 1983, sau khi nhận giải thưởng cao nhất ở cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ, Nguyễn Đình Chiến được chuyển về làm phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân. Ông đã có nhiều bài phóng sự, ký sự, bình luận xuất sắc trên Báo Quân đội nhân dân.

Năm 1986, Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến được Bộ Quốc phòng cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Bằng thành tích học tập xuất sắc của mình, năm 1987, ông lại được Trường Viết văn Nguyễn Du và Bộ Văn hóa tuyển chọn, gửi sang đào tạo dài hạn tại Học viện Văn học mang tên M.Goóc-ki (Gorki) ở Mát-xcơ- va. Ngoài học tập, ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa trong Cộng đồng người Việt tại LB Nga. Dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán, Nguyễn Đình Chiến là người sáng lập Hội Văn học nghệ thuật của người Việt tại Mát-xcơ- va, Tổng thư ký, kiêm Tổng biên tập tạp chí Người bạn đường, tạp chí văn chương dành riêng cho người Việt ở LB Nga.

Hơn mười năm lưu lạc xứ người, ông đi khắp các nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết, viếng thăm quê hương các nhà văn Nga mà ông từng ngưỡng mộ từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Yêu nước Nga, coi nước Nga như quê hương thứ hai của mình nhưng trong ông vẫn day dứt nỗi nhớ quê nhà.

Trái tim nhà thơ Nguyễn Đình Chiến dào dạt cảm xúc, dường như ông yêu tất cả trên đời, yêu từ nhành cây ngọn cỏ, những nếp nhà trong sương lam, những kỷ niệm tuổi thơ và những năm dài chiến đấu. Tình yêu ông dành cho văn chương giống như ngọn lửa bập bùng trong trái tim người lính, trái tim thi nhân – vĩ đại và giàu lòng yêu nước, yêu người và yêu thương cuộc đời. Trên những nẻo đường xứ tuyết, trái tim ấy luôn day dứt nỗi nhớ quê nhà, nhớ mẹ già, nhớ những kỷ niệm đầu đời trong suốt pha lê, nhớ mảnh vườn quê hoa bưởi trắng...

Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và yêu văn chương, Nguyễn Đình Chiến làm thơ rất sớm, từ thuở ông còn là học trò. Thơ của ông trước hết là thơ của một tấm lòng. Đó là lòng nhân hậu, giàu tình thương. Thương người. Thương đời. Thương cả chim muông, hoa cỏ. Nguyễn Đình Chiến là người của những quảng trường. Con người Nguyễn Đình Chiến, đúng như cái chân dung mà anh tự họa: “Anh người lính quen đi nhanh, bước mạnh/Quen mưa to gió lớn những phương trời…”.

Con người hùng dũng bề ngoài ấy lại có một trái tim đa cảm và dễ xúc động trước mọi thứ. Ông có thể bàng hoàng khi gặp bông hoa dại nhỏ nhoi, lặng lẽ nở một mình, xinh đẹp một mình trong khu rừng vắng. Ông cũng có thể ngẩn ngơ trước một làn sương mỏng bay ngang tầng tháp cổ. Thơ Nguyễn Đình Chiến cũng như con người ông. Đó là tình cảm, là cảm xúc ứa ra đầu ngọn bút.

Bàn chân ông đã đi qua biết bao nẻo đường, nơi nào ông đến cũng để lại trong ông niềm thương nỗi nhớ không nguôi.

“Đâu phiến đá tôi vẫn ngồi tập viết

Học thuộc lòng mỗi một tiếng chim kêu

Đâu nệm lá tôi nằm nghe thiêm thiếp

Vượn ru con non nỉ cả rừng chiều.

 

Thời vạm vỡ ngực trai tôi mười tám

Ai hương bưởi hương chanh tôi vẫn chỉ hương rừng

Người áp ngực đầu tiên người bạn

Sợi máu đầm trên mái tóc rưng rưng...”

Trường ca Điện Biên phủ còn đang viết dở dang thì trái tim thi nhân ngừng đập vào chiều ba mươi tết năm 2014 tại quê nhà trong nỗi niềm tiếc thương của gia đình, anh em, bè bạn và biết bao người yêu thơ. Trong khúc mưa, rừng cọ xòe ô đón nhà thơ về bên suối, bình yên an nghỉ giữa núi rừng.

“Ôi! nếu vậy xin được về xứ sở

Có dòng sông hoa sở trắng bên đồi

Có giọng hát của những người trèo cọ

Mang yêu thương khao khát gửi lên trời

Có con sáo mỏ vàng trong nắng đỏ

Học tiếng người bên lối ngõ sang chơi

Có em tôi, khẽ nghiêng vành nón nhỏ

Bên cổng làng muôn thuở, vẫn chờ tôi...”

(Một khúc quê hương)

Tháng Tám. Ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, nắng lại trải vàng mặt phố. Hà Nội, nơi gắn bó với ông những năm tháng hiền hòa lại đón một mùa thu mới tinh khôi. Người ra đi, còn tình yêu ở lại, với những chặng đường quen, với mùa thu và tháng tám dịu dàng lay động trái tim người...

Nguồn: dantri.com.vn