Năng lượng gió

Công bố giấy phép khảo sát dự án ThangLong Wind

Thứ ba, 18/6/2019 | 10:19 GMT+7
Tập đoàn Enterprize Energy (Vương quốc Anh) mới đây đã tổ chức lễ công bố giấy phép khảo sát dự án ThangLong Wind khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà và ra mắt website dự án chính thức tại tỉnh Bình Thuận.

Dự án ThangLong Wind – khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận ra đời sau khi Tập đoàn Enterprize Energy hàng đầu thế giới chuyên về phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, khai thác nguồn năng lượng giảm thải carbon nghiên cứu nhiều năm. Những nghiên cứu của Enterprize Energy cho kết quả đầy triển vọng trên một vùng biển có diện tích hơn 2.000km2, cách xa đất liền tối thiểu 20km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà.

Theo nhà đầu tư, các tuabin sử dụng trong dự án có thể có công suất khác nhau, trong đó những tua bin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5MW. Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuabin sẽ còn tăng lên với sự phát triển của công nghệ tuabin gió. Nhận định của nhà đầu tư, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.

Ngày 6/6/2019, Bộ Công Thương đã có kiến nghị tại công văn số 3423/BCT-ĐL về phương án khảo sát chi tiết dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà lên Chính phủ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương xem xét, quyết định về việc thông qua phương án khảo sát của Tập đoàn Enterprize Energy (EE) và cho phép EE thực hiện khảo sát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 621/VPCP-QHQT ngày 22/1/2019 của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông và Vận tải và các cơ quan liên quan giám sát hoạt động khảo sát của EE; đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, quốc phòng và không làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, tài nguyên biển.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, ngày 12/6/2019, Bộ Công Thương có văn bản chính thức số 4146/BCT-ĐL thống nhất về mặt nguyên tắc, cho phép nhà đầu tư Enterprize Energy triển khai khảo sát chi tiết kèm theo văn bản số 01/EEVN ngày 11/3/2019, tại khu vực biển ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận.

Với quyết định này, Enterprize Energys sẽ triển khai các phương án khảo sát chi tiết gồm khảo sát và thu thập số liệu gió, sự di trú của các loài chim biển; khảo sát địa vật lý, địa chất công trình; nghiên cứu và khảo sát môi trường.

Theo đó, cánh đồng gió ngoài khơi dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng tại khu vực ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20km tới 50km, tốc độ gió bình quân 9,5m/s. Diện tích thực hiện khảo sát là 2.800km2, trong đó khu vực dự án là 2.000km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800km2. Diện tích thực tế để thực hiện dự án chỉ chiếm khoảng 25 - 30% diện tích khảo sát.

Ông Ian Hatton – Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy cho biết, sau khi nhận được giấy phép khảo sát chính thức, mục tiêu của nhà đầu tư sẽ là đồng thời tiến hành khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi của dự án để đảm bảo giai đoạn I của dự án được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 với công suất 600MW, 64 cột gió. Giai đoạn phát triển tiếp theo của dự án là ThangLong Wind II, ThangLong Wind III, ThangLong Win IV, ThangLong Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ năm 2023 - 2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là ThangLong Wind VI với công suất 400MW. Tổng công suất của dự án đạt khoảng 3.400 MW.

Tại lễ công bố, Tập đoàn Enterprize Energy và các đối tác cam kết quản lý tất cả các khía cạnh hoạt động khảo sát và xây dựng một cách an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm đối với xã hội, môi trường và hoạt động đánh bắt thủy sản cho bà con ngư dân.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Lương Văn Hải – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ThangLong Wind là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Bình Thuận cũng như Việt Nam. Tỉnh Bình Thuận ghi nhận sự cố gắng của chủ đầu tư, các đơn vị đối tác đã tích cực để có giấy phép triển khai dự án. Với tiềm năng hiện có, tỉnh Bình Thuận đang có chiến lược phát năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Tuy nhiên, hiện phát triển điện gió trên đất liền có nhiều hạn chế do ảnh hưởng đến ngành nghề khác. “Việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ThangLong Wind sẽ là cơ sở để thực hiện các dự án điện gió tiếp theo tại địa phương. Tỉnh Bình Thuận sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện khảo sát, đảm bảo tiến độ dự án”, ông Hải nhấn mạnh.

Hải Long