Công trình xanh

Công trình xanh giúp tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường

Thứ tư, 19/6/2019 | 10:21 GMT+7
Thời gian gần đây, xu hướng sử dụng công trình xanh đang được nhiều người lựa chọn bởi những lợi ích nó mang lại.

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đô thị Xanh Việt Nam khẳng định, công trình xanh giúp hạn chế tối đa tác động xấu của môi trường xây dựng tới con người và môi trường bằng việc lựa chọn vị trí, diện tích sử dụng, vật liệu xây dựng, quá trình xây dựng. 

Các công trình này có hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, vật liệu, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tận dụng và tiết kiệm nguồn năng lượng, tài nguyên như nước, gió đồng thời xử lý chất thải và tái tạo năng lượng.

Trong khi lợi ích hữu hình của công trình xanh có thể thấy chính là tăng giá bán, bán nhanh hơn và dễ chuyển nhượng, giảm phí vận hành, tăng giá trị tài sản. Lợi ích vô hình của loại hình này là lợi thế người dẫn đầu, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ngoài ra, công trình xanh còn có lợi ích lớn đi theo suốt vòng đời, bao gồm chi phí vận hành giảm, giá trị công trình tăng. Đây còn là cơ sở sáng tạo nên chiến dịch marketing bán hàng và xây dựng thương hiệu, đồng thời tạo môi trường sống tiện nghi và sức khỏe.

Đồng quan điểm, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia Công trình Xanh - Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, khi phỏng vấn người mua nhà, họ chia sẻ, nếu sống ở căn hộ xanh chúng tôi sẽ tiết kiệm được 5 USD tiền điện.

Có nghĩa là khi người sử dụng, người mua hiểu được lợi ích sản phẩm bất động sản xanh họ sẵn sàng bỏ ra chi phí mua cao hơn…Do đó, chủ đầu tư bất động sản cần đưa các phương án xanh và để người dân hiểu được nơi ở, nơi sống, học tập làm việc xanh được lợi như thế nào.

Tại Việt Nam, theo ông Nguyên cần xây dựng một chiến lược tổng thể để các sản phẩm xanh được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của công trình xanh là một quá trình khép kín, giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt.

Hải Đăng