Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh

Thứ năm, 8/2/2018 | 15:11 GMT+7
Theo quy hoạch mới được điều chỉnh, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á; trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.

Phạm vi vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 40.604,7 km2.

Khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng sạch

Theo quy hoạch, về định hướng phát triển công nghiệp, ĐBSCL sẽ tập trung phát triển công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời và sinh khối.

ĐBSCL ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu công nghiệp (KCN) được thành lập đến năm 2030, trong đó tăng cường các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ nông nghiệp, với tổng diện tích các KCN tập trung là 15 – 17 nghìn ha, có thể đạt đến 20 – 24 nghìn ha sau năm 2030. Hạn chế mở rộng phát triển thêm các KCN khi chưa đạt tỷ lệ lấp đầy cao tại các KCN hiện hữu. Rà soát, đánh giá lại các KCN đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả. Hạn chế các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

ĐBSCL phân bố KCN theo các khu vực trọng điểm. Cụ thể, các KCN đa ngành của vùng chủ yếu phân bố tại các tỉnh Long An và Tiền Giang, thuộc khu vực tiếp giáp TPHCM, với tổng diện tích khoảng 10 nghìn ha. Trung tâm công nghiệp chế biến nông – thủy sản và năng lượng của vùng bố trí tại Cần Thơ với tổng diện tích các KCN khoảng 1,5 – 1,8 nghìn ha, bao gồm các KCN tại Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt. Các trung tâm năng lượng, công nghiệp chế biến thủy sản với quy mô khoảng 2 – 2,4 nghìn ha phân bố chủ yếu tại tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu được phát triển gắn với các trung tâm điện lực, điện gió và khu kinh tế biển. Tại các tỉnh còn lại chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông – ngư nghiệp, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp phục vụ địa phương.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên

Vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù của vùng sinh thái sông nước, biển đảo. Trong đó, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (đồi núi, rừng, sông hồ...) và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: cù lao Ông Hổ, khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...

Các đô thị: Cần Thơ, Phú Quốc và Mỹ Tho là trung tâm du lịch của toàn vùng. Trong đó, thành phố Cần Thơ là trung tâm của không gian du lịch phía Tây, gồm các tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ. Phát triển du lịch thăm quan đất mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; du lịch sinh thái; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử và lễ hội.

Thành phố Mỹ Tho là trung tâm của không gian du lịch phía Đông gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Phát triển du lịch sông nước, miệt vườn; thăm quan làng nghề, di tích lịch sử, cách mạng; du lịch cộng đồng.

Thiết lập các tuyến du lịch cấp vùng trên cơ sở kết nối các di sản tự nhiên và văn hóa; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đảm bảo liên kết giữa các vùng, khu và điểm du lịch trên địa bàn vùng... Hoàn thiện các trung tâm dịch vụ, cơ sở lưu trú, lữ hành kết nối với các vùng, khu, điểm du lịch trong vùng và các vùng lân cận khác, phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc trưng của vùng.

Đại điện cho đơn vị tư vấn RUA – Giáo sư Tiến sỹ quy hoạch Bruno De Meulder của trường Đại học Ku Leuven (Bỉ) cho biết, các vùng sinh thái nông nghiệp là cơ sở để phân vùng khai thác phát triển kinh tế và tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; không đi theo hướng phát triển hành lang đô thị mà lựa chọn phát triển đô thị gắn liền với sinh thái. Đặc biệt, khu vực này nên tận dụng lợi thế sông nước để phát triển các tuyến giao thông thủy, thay vì đầu tư quá nhiều cho các dự án cao tốc đường bộ lớn.

Hương Đỗ