EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh

Thứ sáu, 12/7/2019 | 08:26 GMT+7
Ngày 11/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, dưới sự chủ trì của Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân.

Trong nửa đầu năm vừa qua, EVN phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác cung ứng điện. Hệ thống điện hầu như không còn dự phòng về nguồn điện trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng cao, thời tiết khắc nghiệt với nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện khó khăn, nước về các hồ thủy điện rất kém...

Cụ thể, công suất lớn nhất toàn hệ thống đạt gần 38.220 MW, tăng trên 4.000 MW (tương ứng tăng trưởng 11,9%) so cùng kỳ 2018 (34.152 MW). Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã phải huy động 732 triệu kWh nhiệt điện dầu.

Trong nửa đầu năm 2019, EVN và các đơn vị thành viên đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.

Đây cũng là thời gian mà các đơn vị trực thuộc EVN nỗ lực tối đa, phối hợp với các chủ đầu tư dự án điện mặt trời đưa vào vận hành 4.397 MW điện mặt trời. Qua đó, nâng tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống lên 5.038 MW, chiếm tỷ trọng 9,5% tổng công suất nguồn (53.326 MW). Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 8.232 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất 173.126 kWp.

Tiếp thu ý kiến của cộng đồng trong đợt điều chỉnh giá điện tháng 3/2019, Tập đoàn đã thiết kế 4 mẫu hoá đơn tiền điện mới với nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu và tổ chức cuộc thi bình chọn, lấy ý kiến của khách hàng sử dụng điện qua website evn.com.vn từ ngày 12/6 - 11/7/2019.

Tính đến nay, khách hàng trên cả nước đã thực hiện 17.560 giao dịch trực tuyến cấp độ 4. Thống kê qua các website chăm sóc khách hàng của 5 Tổng công ty Điện lực, khách hàng thực hiện giao dịch và thanh toán dịch vụ với tổng số tiền 20,84 tỷ đồng.

Các đơn vị trực thuộc EVN cũng đã phối hợp với 29 tỉnh/thành phố trên cả nước ban hành cơ chế “một cửa liên thông” giữa cơ quan quản lý nhà nước với ngành điện.

Bên cạnh các kết quả trên, trong quản trị doanh nghiệp, EVN tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác quản trị. Riêng hệ thống Văn phòng điện tử mà trọng tâm là phần mềm E-Office tiếp tục được nâng cấp và triển khai đến các đơn vị cấp 3, cấp 4 giúp cho việc quản lý, chỉ đạo, điều hành thuận lợi, hiệu quả mọi lúc, mọi nơi. Một số tổng công ty, đơn vị trực thuộc có tỷ lệ phát hành văn bản điện tử và lập hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đạt trên 80%, từ đó góp phần rút ngắn thời gian chỉ đạo điều hành, giảm chi phí văn phòng phẩm, chi phí chuyển phát văn bản.

Nói về nhiệm vụ nửa cuối năm 2019, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN yêu cầu các đơn vị quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là những dự án giải tỏa công suất nguồn điện.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; tự động hóa lưới điện; phát triển công tơ điện tử; tiếp tục cải thiện công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng; cải thiện chỉ số tổn thất điện năng... Tuyên truyền tiết kiệm điện, vận động khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện cũng là những nội dung được lãnh đạo Tập đoàn nhấn mạnh khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Tổng giám đốc EVN đề nghị các tổng công ty điện lực, đặc biệt là miền Trung, miền Nam và TPHCM tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái.