Giá than đảo chiều và "ẩn số" Trung Quốc

Thứ ba, 23/8/2016 | 08:22 GMT+7
Giá than đạt mức cao nhất trong hơn một năm, tới gần 70 USD/tấn, Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh nhập khẩu được cho là nguyên nhân dẫn đến sự đảo chiều này.

Giá than nhiệt của Australia tại cảng Newcastle, tham chiếu cho thị trường than châu Á, đã tăng trên 35% kể từ giữa tháng 6 tới nay.

Sản xuất hạn chế ở Trung Quốc, nhà sản xuất đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, từ đầu năm đến nay đã đẩy giá than trên thị trường thế giới tăng lên. Nhập khẩu than vào Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng 6,7% lên 129,17 triệu tấn.

Điều này ngược lại dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 12/2015 là tỷ trọng than trong tổng sản lượng năng lượng của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 29% xuống còn 27% vào năm 2020.

Thực ra, Trung Quốc trong tháng 7/2016 chỉ sản xuất được 270 triệu tấn than, giảm 13,1% so với một năm trước đó. Tính chung, sản lượng trong 7 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Goldman Sachs, trong thông báo ngày 16/8 cho rằng, bằng việc chuyển trạng thái “dư cung” sang “cân bằng”, Trung Quốc đang lấy lại vị thế chi phối thị trường nguyên liệu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý về “sự bền vững” của yếu tố Trung Quốc tăng nhập khẩu, trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế và thực hiện các chính sách ứng phó với môi trường.

Bộ phận Nghiên cứu và Dự báo hàng hoá của Thomson Reuters cho rằng, nhập khẩu than vào Trung Quốc trong tháng 8 sẽ giảm mạnh so với mức 18,92 triệu tấn của tháng 7, xuống chỉ 13,07 triệu tấn, nên tổng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm sẽ chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cạnh đó, nhập khẩu vào Ấn Độ tháng 8 cũng có xu hướng giảm. Số liệu của Thomson Reuters cho thấy trong 8 tháng đầu năm nhập khẩu than vào Ấn Độ sẽ giảm khoảng 3,8% so với 139,3 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, việc giá than tăng trở lại còn bởi sự hậu thuẫn từ các nước công nghiệp phát triển ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Vì vậy, nếu qua tháng 8 mà giá than vẫn tăng, có thể kết luận là giá than tăng không phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ và xu hướng tăng của những tháng qua báo hiệu một chu kỳ mới.

Giá than tăng mạnh thời gian gần đây đang là căn cứ để Banpu, chủ sở hữu một số mỏ xuất khẩu lớn ở khắp khu vưc châu Á - Thái Bình Dương, đưa dự báo: Giá bán than trung bình năm 2016 có thể trên 50 USD/tấn, tăng so với mục tiêu ban đầu là 47 - 48 USD/tấn.

Trong năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) khai thác được 37,6 triệu tấn than và năm 2016 dự kiến sẽ khai thác trên 40 triệu tấn than.

Giá than tăng phần nào giảm bớt áp lực cho ngành Than Việt Nam sau những tổn thất lớn bởi đợt suy giảm vừa qua. Giá than phục hồi cũng mang lại niềm vui cho người thợ mỏ, đối tượng chính chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá than giảm sâu và kéo dài nhiều năm.

Nhưng mặt khác, giá than tăng cũng đồng nghĩa với việc tăng quan ngại từ các ngành khác, đặc biệt là bốn hộ tiêu thụ lớn là điện, xi măng, phân bón và giấy.

Giá than chiếm khoảng 50% tổng chi phí sản xuất điện, nên việc giá than tăng sẽ tác động trực tiếp lên đầu vào của các nhà máy nhiệt điện trong bối cảnh giá điện chưa được điều chỉnh theo thị trường.

PV/Song Anh