Hà Nội xây dựng thành phố thông minh

Thứ tư, 10/10/2018 | 11:27 GMT+7
64 năm sau Ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, bắt nhịp với xu thế của thời đại. Với mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh, thành phố đang nỗ lực xây dựng các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Lợi thế, tiềm năng nhiều, nhưng cũng có không ít thách thức đặt ra đối với Hà Nội trong quá trình thực hiện.

Đột phá căn bản từ công nghệ thông tin 

Chị Trần Ngọc Linh, ở ngõ 84 phố Chùa Láng (quận Đống Đa) hiện là nhân viên văn phòng tại Trường đại học Công nghệ Đông Á. 5 năm nay, lựa chọn sinh sống tại Hà Nội mang lại cho chị Linh nói riêng và các bạn trẻ nói chung nhiều cơ hội trong cuộc sống, công việc nhưng cũng khiến họ đối mặt những áp lực do sự quá tải của một “siêu đô thị”, như tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập mỗi khi mưa lớn, không khí ô nhiễm, nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà... Nhưng thời gian gần đây, sự lo lắng đã phần nào giảm bớt, nhờ những ứng dụng công nghệ mà thành phố đang triển khai. Khi trời mưa to, bật ứng dụng HSDC Maps trên điện thoại di động là chị Linh biết được tình trạng úng ngập trên các tuyến đường để tránh. Những lúc đi ô-tô, không còn phải loay hoay tìm kiếm một chỗ gửi xe trong nội thành, nhờ ứng dụng I-parking trên thiết bị di động… Đối với các thủ tục hành chính, chỉ cần chiếc điện thoại hay máy tính kết nối in-tơ-nét là có thể thực hiện được và nhận kết quả gửi đến tận nhà. Những tiện ích này giúp cuộc sống của các công dân đô thị thuận tiện hơn, đồng thời cho thấy những tiến bộ trong phương thức quản lý, điều hành của thành phố Hà Nội.


Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, xây dựng thành phố thông minh để mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ, tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội trải qua ba giai đoạn. Từ nay đến năm 2020 sẽ hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, bao gồm: Nền tảng cơ sở hạ tầng; các cơ sở dữ liệu cốt lõi; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu: giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường. Từ năm 2020 đến 2025 sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia và hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn ba, sau năm 2025 sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức. 

Thực hiện lộ trình nêu trên, hai năm qua, Hà Nội có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Đến nay, thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông trên một nền tảng thống nhất, đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt của một số dịch vụ công có kết quả cao. Cụ thể: lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt hơn 90%, đăng ký kinh doanh đạt hơn 98%, thuế đạt 97%. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2018, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt hơn 80%. Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân, đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về 3,7 triệu mảnh đất, cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người dân, doanh nghiệp...; triển khai kết nối, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực.

Hiện nay, thành phố ưu tiên xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường… Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang hoàn thiện Đề án Giao thông thông minh, tập trung số hóa hạ tầng và phương tiện giao thông; xây dựng các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm tự động. Ngày 10-10, sẽ khai trương hệ thống vé điện tử trên tuyến xe buýt BRT... Trong lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch thành phố đang tích cực xây dựng và triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng tra cứu, đặt tua, phòng khách sạn, quán ăn… trên thiết bị di động, bản đồ số du lịch…

Lấy người dân làm trung tâm

Tại Hội nghị cấp cao về thành phố thông minh tổ chức tại Hà Nội tháng 9 vừa qua, các đại biểu tham dự đều cho rằng, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để trở thành đô thị thông minh, nhưng cần chú trọng mục tiêu phát triển bền vững về con người và môi trường. Trên thực tế, sự tương tác của người dân với các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Thí dụ, nhiều thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng độc thân hiện nay đều có thể làm trực tuyến, song người dân vẫn có thói quen đến trụ sở hành chính làm trực tiếp. Do vậy, thời gian bị kéo dài ra do các cán bộ tiếp nhận phải đăng nhập dữ liệu vào hệ thống (việc đáng lẽ ra công dân làm trước) rồi mới tiến hành giải quyết. Mặt khác, cần gắn kết việc xây dựng thành phố thông minh với việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị của thành phố. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ. Từ việc tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý có tư duy công nghệ, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin, để hình thành một thế hệ công chức điện tử, cho tới việc kết nối với mạng lưới các nhà khoa học, trí thức trẻ để tập hợp trí tuệ xây dựng thành phố thông minh. Thành phố khuyến khích nghiên cứu các ứng dụng thông minh, giải pháp thông minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Thành phố dự định sẽ trình Chính phủ cho phép triển khai các lớp học về công nghệ 3D, trí tuệ nhân tạo… ngay tại các cấp học phổ thông để trong khoảng từ 10 đến 15 năm tới, Hà Nội sẽ có một đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu về những công nghệ quan trọng này.



Để xây dựng thành công thành phố thông minh, ngoài sự nỗ lực của chính quyền thành phố, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng. Thành phố luôn chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức thông qua việc ký văn bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn trong nước và nước ngoài. Hà Nội đã trao đổi, thống nhất ký biên bản ghi nhớ với các tập đoàn, công ty như Microsoft Việt Nam, Viettel, VNPT, FPT, TNHH TM & DVKT Nhật Cường… về hợp tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Đồng thời mời các đối tác của Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ tham gia tư vấn về xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung, xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, quy hoạch xây dựng, đất đai trên nền bản đồ số… 

Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành xu thế toàn cầu, nhất là ở các thành phố lớn. Với Thủ đô Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố trong quá trình triển khai thực hiện. Thành phố thông minh không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu của bộ máy công quyền. Hòa cùng với xu thế chung của thế giới, với một lộ trình rõ ràng, cùng những bước đi thận trọng, thành phố Hà Nội phấn đấu là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng thành phố thông minh, tự tin đứng trong mạng lưới các thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới trong tương lai không xa.

Theo Nhân Dân