KCM cán mốc sản lượng 20 tỷ Sm3 khí PM3

Thứ sáu, 28/6/2019 | 15:01 GMT+7
Ngày 27/6, Công ty Khí Cà Mau (KCM) – đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) chính thức cán mốc sản lượng khí PM3 tiếp nhận 20 tỷ Sm3 mang lại tổng doanh thu 42.000 tỷ đồng.

Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, một dấu mốc thành tích rất đáng tự hào trong chặng đường hình thành và phát triển 13 năm của KCM. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi đến cùng với thời điểm  KCM đang ra sức thi đua và sôi nổi thực hiện các hoạt động chào mừng kỷ niệm 13 năm thành lập công ty (03/7/2006  - 03/07/2019).

Công ty KCM được thành lập vào ngày 03/7/2006, với tên gọi ban đầu là Xí nghiệp Khí Cà Mau. Vào thời điểm đó và nhiều năm sau, KCM là đơn vị trẻ nhất của PV GAS, đi lên từ những sơ khai ban đầu, đặt nền móng cho ngành công nghiệp khí miền Tây Tổ quốc. Ở những ngày đầu thành lập, trụ sở văn phòng của KCM còn phải đi thuê, dùng chung với Ban QLDA, cơ sở vật chất thiếu thốn, địa bàn xa xôi, đường xá vào các trạm khí đi lại rất khó khăn, kênh rạch chằng chịt, hạn chế về mọi mặt. Số lượng cán bộ nguồn ít ỏi chỉ với 6 nhân sự hầu hết còn rất trẻ tuổi được PV GAS điều động xuống Cà Mau từ các đơn vị ở khu vực TPHCM và Đông Nam Bộ. Không ngại những gian nan, thử thách, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần đoàn kết, sự định hướng đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/PV GAS và tâm huyết của Ban lãnh đạo đơn vị, KCM đã từng bước bền bỉ đi lên và ngày càng phát triển lớn mạnh.

Ngày 29/4/2007 đánh dấu sự kiện hoàn thành lắp đặt đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau dài 325 km, đón dòng khí đầu tiên vào bờ cấp khí cho nhà máy điện Cà Mau 1. Đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau đã đặt cơ sở nền tảng cho chuỗi giá trị khí, góp phần đáng kể vào sự phát triển tỉnh Cà Mau nói riêng và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, đồng thời là mảnh ghép đầu tiên cho bức tranh tổng thể Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau phát triển như hiện nay. Trong những năm tiếp theo, khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau đã từng bước trưởng thành và ngày càng hoàn thiện với những mảnh ghép tiếp theo là Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhà máy Đạm Cà Mau lần lượt nhận khí vào các ngày 28/5/2008 và 15/9/2011. Mảnh ghép cuối cùng và cũng là dấu son trong sự thành công của Công ty KCM là việc tiếp nhận và vận hành chính thức Nhà máy xử lý Khí Cà Mau (GPP Cà Mau) vào ngày 06/12/2017.

Đây là công trình thực hiện chủ trương chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.500 tỷ đồng, được xây dựng với tổng diện tích 34,6 ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà mau. Nhà máy sử dụng công nghệ SCORE hiện đại hàng đầu thế giới, làm lạnh sâu đạt hiệu quả cao trong việc thu hồi sản phẩm trong dòng khí tự nhiên, đem lại hiệu suất thu hồi LPG cao lên tới 97% trong khi các Nhà máy khác chỉ đạt hiệu suất thu hồi khoảng 85%; phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo vận hành an toàn và bảo vệ môi trường. Đến tháng 12/2017, Công ty KCM đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, chính thức tiếp nhận vận hành thương mại nhà máy, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết thiếu hụt LPG và Condensate của thị trường Việt Nam.

Trong năm 2018, GPP Cà Mau đã sản xuất 156 nghìn tấn LPG và 10 nghìn tấn Condensate, bổ sung khoảng 10% nhu cầu thị trường trong nước. Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đã cung cấp cho thị trường 80 nghìn tấn LPG và 6 nghìn tấn Condensate. Nhà máy GPP Cà Mau mới đi vào vận hành gần 02 năm nhưng đã chứng minh sự đúng đắn của các cấp lãnh đạo trong quyết định đầu tư, không chỉ ở phương diện đóng góp về kinh tế cho ngân sách địa phương (riêng Nhà máy GPP vào vận hành đóng góp 220 tỷ cho ngân sách trong năm 2018), mà còn góp phần tạo việc làm trong các ngành mới, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động trên địa bàn Cà Mau.

PV