Cuộc sống xanh

Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam: Đổi mới công nghệ, hướng đến vật liệu xanh

Thứ ba, 25/9/2018 | 10:15 GMT+7
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) của Việt Nam đang có nhiều dư địa để phát triển, nhưng trước mắt cần tháo gỡ những bất cập, hạn chế đang tồn tại. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam Thái Duy Sâm, về hướng phát triển lĩnh vực này.

Ông có thể cho biết ngành VLXD Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào trong những năm gần đây?

- Có thể nói, trong những năm gần đây, tốc độ đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao. Cụ thể, năm 2017, năng lực sản xuất và sản lượng của một số sản phẩm tăng gấp nhiều lần so với năm 1987, khi mới bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới. Ví dụ, xi măng tăng 30 lần về công suất và 50 lần về sản lượng thực tế; sản lượng kính xây dựng tăng trên 70 lần…

Nhờ đó đã đưa Việt Nam từ nước phải nhập khẩu hầu hết các sản phẩm VLXD phục vụ xây dựng trong nước, đến nay, sản xuất đã đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng và còn dư khoảng từ 10 - 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Gạch ốp lát, sứ vệ sinh của Việt Nam đã xuất đi gần 40 nước trên thế giới. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu năm 2017 đạt 1,67 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là xi măng 780 triệu USD, đá ốp lát 220 triệu USD, gạch gốm ốp lát 350 triệu USD, sứ vệ sinh 120 triệu USD, kính thủy tinh 200 triệu USD.

Nhưng thưa ông, theo đánh giá thì dây chuyền công nghệ của ngành công nghiệp này còn khá lạc hậu?

- Không thể phủ nhận những thay đổi tích cực về công nghệ sản xuất của ngành VLXD trong thời gian gần đây. Nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất khai thác chế biến đá xây dựng, đá ốp lát, gốm sứ xây dựng hiện vẫn còn nhiều cơ sở có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, quy trình sản xuất chưa hợp lý. Một số địa phương vẫn duy trì sản xuất gạch nung bằng lò thủ công; lĩnh vực xi măng thì số dây chuyền quy mô nhỏ, trình độ tự động hóa chưa cao vẫn chiếm đến 33%.

Đáng lưu ý, trong lĩnh vực vật liệu xây không nung có 43% số dây chuyền sản xuất gạch bê tông, chiếm 17% tổng công suất thiết kế có quy mô nhỏ công nghệ lạc hậu... Vì vậy, để phát triển ngành này rất cần có sự quan tâm đầu tư lớn cho công nghệ.

 Tổng Thư ký Hội VLXD Việt NamThái Duy Sâm

Vậy, việc đổi mới công nghệ sản xuất sẽ tác động thế nào đến sự thay đổi về “chất”?

- Đổi mới công nghệ thì chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá trị kinh tế cũng vì thế tăng lên. Ví như trước đây, chỉ sản xuất được xi măng với hàm lượng clanhke ≥ 80%; nay đã sản xuất được xi măng với hàm lượng clanhke từ 60 - 65%. Gạch gốm ốp lát chỉ sản xuất loại có kích thước 150x150mm hoặc 200x200mm, nay chúng ta đã có gạch gốm tráng men (ceramic), gạch granit nhân tạo, gạch coto, có kích thước đến 900 x 900mm. Ngoài ra, còn nhiều loại vật liệu xây dựng khác cũng được phát triển mạnh về năng lực sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại.

Một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của ngành sản xuất VLXD của Việt Nam đó là phát triển các sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường, các loại VLXD không nung, VLXD tái tạo... đã góp phần tiết kiệm khoảng 1.800ha đất; 3,6 triệu tấn than và giảm phát thải 13,7 triệu tấn khí nhà kính – CO2.

Để ngành VLXD phát triển nhanh, bền vững, ngoài việc tích cực đầu tư nghiên cứu, dành nguồn vốn đầu tư cho công nghệ, các đơn vị sản xuất cũng cần chú trọng khuyến khích cán bộ, người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào thực tế, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn hóa cao để tiếp cận khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới.

Môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong quá trình sản xuất VLXD, theo ông đâu là giải pháp để bảo vệ môi trường trong ngành này?

- Ngành VLXD là một trong các ngành tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Quyết định số 1469/QĐ-TTg, ngày 22 /8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đã quy định cụ thể các yêu cầu và giải pháp nhằm tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường trong ngành VLXD.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, như sử dụng than còn chiếm tỷ lệ cao; Tận dụng nhiệt khí thải các lò nung clanhke trong sản xuất xi măng để phát điện triển khai rất chậm; Chế độ giám sát môi trường kể cả trang bị và nối mạng về các Trung tâm Kiểm soát môi trường của địa phương chưa thực hiện triệt để...

Đối với giải pháp để bảo vệ môi trường, theo tôi có 2 giải pháp căn cơ, đó là: Đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại và tăng cường sản xuất VLXD xanh, VLXD không nung dần thay thế các loại VLXD thủ công truyền thống. Để làm được điều này, cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyền truyền đến người dân nhằm thay đổi thói quen sử dụng VLXD, từ đó mở ra định hướng mới cho các nhà sản xuất VLXD.

Xin cảm ơn ông!

Theo Kinh tế Đô thị