Đời sống, xã hội

Những trang trại nuôi lợn độc đáo

Thứ tư, 30/1/2019 | 10:44 GMT+7
Nhằm tăng chất lượng thịt lợn, nông dân ở Nhật Bản và Việt Nam đã áp dụng những phương pháp chăn nuôi độc đáo như cho lợn uống nước chè, ăn thảo dược hay cho nghe nhạc.

Trang trại cho lợn uống trà xanh thay nước của nông dân Nhật Bản

Ở vùng Shizuoka của Nhật Bản, nơi nổi tiếng với những cánh đồng chè chất lượng cao, người dân cho lợn uống nước chè thay vì nước lã để khiến chất lượng thịt ngon hơn. Theo đánh giá của người tiêu dùng, thịt của loài lợn Tea-Ton (nghĩa là lợn chè) này ngọt và săn hơn những loại thông thường.

Tại trang trại Kitagawa của Shizuoka, nơi phát minh ra kỹ thuật cho lợn uống nước chè vào năm 2017, những chú lợn được uống nước chè vào mỗi buổi sáng. Bình quân trang trại này pha 1 kg chè với 1 tấn nước.

Do là vùng trồng chè nên nguyên liệu chè được các nhà sản xuất địa phương cung cấp miễn phí. Chè này là những lá chè già từ các đồi trồng gần đó, vốn không thể thu hoạch đem bán được nữa.

Bên cạnh đó, trang trại này còn chú trọng đến việc giảm độ stress của loài lợn khi nuôi dưỡng. Bình quân mỗi 50 chú lợn sống trong khoảng 50m2 được bao xung quanh bởi các thanh chắn, qua đó tạo thêm không gian sinh hoạt cũng như tăng độ tiếp cận với ánh nắng mặt trời và không khí cho lợn.

Ông chủ trang trại Masami Kitagawa cho biết, ý tưởng cho lợn uống nước chè nảy ra khi ông trăn trở làm thế nào để giảm bệnh tật và khiến loài lợn thư giãn được như con người.

“Chúng tôi nhận được những lời khen ngợi từ khách hàng như thịt lợn của chúng tôi không có mùi hôi”, ông Kitagawa chia sẻ.

Ông đang hy vọng kỹ thuật nuôi lợn của mình sẽ được các nhà khoa học chứng minh trong tương lai.

Loại thịt lợn này hiện đang được phục vụ trong các nhà hàng ở Shizuoka và Tokyo. Tuy nhiên, nhu cầu đối với loại thịt lợn thơm ngon này đang ngày một tăng mạnh ở Nhật.

Trang trại cho lợn nghe nhạc Pháp mỗi ngày

Đó là phương pháp nuôi lợn độc đáo mà bà Nguyễn Thị Liên – chủ trang trại giun quế PHT ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang áp dụng thành công. Mỗi năm, trang trại này cung cấp cho thị trường Thủ đô gần 100 tấn thịt lợn thương phẩm VietGAP.

Theo bà Liên, trang trại này rộng 2.000m2 gồm chuồng trại nuôi lợn, gà, giun quế, trồng bưởi… đều khép kín theo quy trình VietGAP và việc xử lý phân thải từ lợn cũng rất triệt để. Cụ thể, khi lợn thải ra phân sẽ được công nhân đưa đi nuôi giun quế, xử lý qua hầm biogas sau đó phân mùn được đưa đi trồng bưởi, hoa… Đặc biệt, thức ăn dành cho đàn lợn tại trang trại gồm giun quế, bã bia, rau xanh, thảo dược… Tất cả được xay trộn lẫn và nấu chín trước khi cho lợn ăn. Để lợn có chất lượng thịt sạch, bà Liên còn dùng các thảo dược để phòng, trị bệnh cho đàn lợn.

Đặc biệt, bà Liên còn lắp một dàn loa nghe nhạc Pháp (dòng nhạc nhẹ nhàng, êm ái). Theo bà Liên, âm nhạc Pháp vốn đã nổi tiếng với giai điệu dịu êm, nhẹ nhàng, sâu lắng, ca từ lãng mạn và giàu ý nghĩa không chỉ đối với người mà còn giúp cho vật nuôi xả stress, cùng với việc kết hợp cho ăn giun quế sẽ giúp cho chất lượng thịt lợn ngon, thơm hơn. “Thường ngày tôi cho lợn nghe nhạc khoảng 8g (trong giờ hành chính) thấy rất hiệu quả, đàn lợn cũng rất thích thú hay chạy nhảy theo tiếng nhạc”, bà Liên cho biết.

Đến nay, trang trại của bà Liên đã có đầy đủ chứng nhận đạt quy chuẩn VietGAP. Tổng doanh thu hàng năm của bà Liên khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của bà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương với mức lương trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.

Để có đủ giun quế chế biến thức ăn cho đàn lợn, bà Liên đã xây dựng 3 trại nuôi giun, mỗi tháng cung cấp đàn lợn trên 7 tạ giun/trại. Theo bà Liên, hiện trang trại của bà đang xúc tiến xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thịt lợn để từng bước mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn có sử dụng giun quế trong thành phần thức ăn. Sản phẩm thịt thành phẩm cuối cùng có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc… cung cấp cho các hệ thống cửa hàng bán thực phẩm sạch trong nội thành.

“Đây sẽ là hướng đi về lâu dài giúp sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt hiện nay”, bà Liên chia sẻ.

Lan Anh