Năng lượng sạch

Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch

Thứ sáu, 6/7/2018 | 16:24 GMT+7
Tính đến nay, Ninh Thuận có 15 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực; trong đó, có 12 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất khoảng 748,75 MW, tổng vốn đăng ký khoảng 27.577 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh có 25 dự án điện Mặt Trời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 18 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 999 MW, tổng vốn đăng ký hơn 27.876 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết với tiềm năng lớn về nắng và gió, Ninh Thuận hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Theo đó, tỉnh ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại và quyết tâm cao nhất để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để các dự án năng lượng tái tạo sớm được thực hiện.


Các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi đi vào hoạt động thương mại sẽ có những đóng góp rất lớn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, Ủy ban Nhân dân Ninh Thuận đã có văn bản kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét, rà soát và rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Cùng đó, thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện mặt trời.

Điều này nhằm tạo điền kiện cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời sớm đưa vào vận hành để hưởng được cơ chế giá theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu ban hành quy chuẩn kỹ thuật về điện gió, điện mặt trời để phục vụ quản lý nhà nước.
 

Tuấn Kiệt