PV GAS tiếp tục bứt phá ấn tượng

Thứ tư, 16/1/2019 | 10:10 GMT+7
Trong năm 2018, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng từ 40-52% và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính từ 33-83%.

Năm 2018, PV GAS đã quản lý và vận hành an toàn, liên tục, hiệu quả các công trình cung cấp khí làm nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia và đáp ứng 70% nhu cầu đạm trên toàn quốc, cũng như cho rất nhiều nhà máy công nghiệp khác; chiếm lĩnh khoảng 65% thị phần LPG trong nước phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước.

Cụ thể, trong năm 2018, Tổng công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng từ 40-52% và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính từ 33-83%.

PV GAS vận hành an toàn hệ thống khí, không để sự cố đáng tiếc nào xảy ra gây ảnh hưởng đến con người, tài sản cũng như uy tín của Tổng công ty; hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng từ 4-52% (sản xuất và cung cấp trên 9,6 tỷ m3 khí, trên 1,6 triệu tấn LPG, trên 95.000 tấn condensate).

Trong đó, chỉ tiêu sản lượng LPG và condensate về đích trước kế hoạch từ 2-3 tháng; các chỉ tiêu tài chính hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 33-83% (doanh thu 74.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14.098 tỷ đồng), về đích trước kế hoạch 2-3 tháng và tăng từ 12%-14% so với năm 2017, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5.375 tỷ đồng), là top đầu các đơn vị trong Tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận sau thuế, vốn chủ sở hữu đạt 26%, trên vốn điều lệ đạt 59%; tiếp tục cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 30% sản lượng điện, 70% đạm, 60% thị phần LPG cả nước.

Đặc biệt, trong năm 2018 đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với nền công nghiệp khí của nước nhà là PV GAS đưa vào sử dụng an toàn, hiệu quả Nhà máy Chế biến Khí Cà Mau, điểm nhấn của chuỗi hoạt động hoàn chỉnh khí – điện – đạm Cà Mau.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội được Tổng công ty tiếp tục được triển khai tích cực, thiết thực, đúng đối tượng với ý nghĩa nâng cao trách nhiệm xã hội. Cụ thể,  PV GAS ban hành quy chế về hình thành, quản lý và sử dụng kinh phí cho mục đích an sinh xã hội.

Trong năm 2018, PV GAS thực hiện công tác an sinh xã hội trên 94 tỷ đồng. Công tác an sinh xã hội được tập trung tài trợ cho chương trình giáo dục đào tạo, y tế, xây dựng nhà đại đoàn kết, chương trình đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ nhân đạo.

Không dừng lại với nguồn khí đầu vào là các mỏ trong nước, PV GAS còn quan tâm phát triển nhập khẩu khí và các sản phẩm khí từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước, chủ động trước tương lai gần khi nguồn cung khí nội địa có xu thế giảm. Để cụ thể hoá nhiệm vụ đó, trong năm 2018, PV GAS đã mở rộng các hợp tác, ký kết với các đối tác uy tín của quốc tế để luôn giữ vững vị thế là đơn vị đầu tàu của ngành công nghiệp khí Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

PV GAS đàm phán thành công Hợp đồng mua bán khí từ mỏ Tuna giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Premier Oil Tuna B.V (POT). Sau thỏa thuận chuyển nhượng này, toàn bộ quyền lợi và trách nhiệm của PVN với tư cách là bên mua của MOU sẽ được chuyển sang cho PV GAS và POT tiếp tục giữ vai trò là công ty nhận được sự ủy quyền của các chủ mỏ khí Tuna để ký kết và thực hiện các nội dung hợp tác thỏa thuận với PVN và PV GAS.

Ký kết này sẽ giúp PV GAS bổ sung hơn 10 tỷ m3 khí vào nguồn cung khí đang suy giảm để cấp cho các hộ tiêu thụ khí tại khu vực Đông Nam Bộ kể từ năm 2024. Với lượng khí bổ sung từ Tuna sẽ tạo tiền đề cho việc nhập khẩu khí bằng đường ống về Việt Nam từ các khu vực lân cận và kết nối với các nguồn khí khác trong tương lai.

Bên cạnh đó là sự hợp tác giữ PV GAS với Tập đoàn Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) về việc triển khai hợp tác để cung cấp LNG từ dự án Alaska LNG về Việt Nam. Dự án Alaska LNG có chi phí đầu tư ước tính khoảng 43 tỷ USD đã được ký kết Biên bản ghi nhớ giữa PV GAS và AGDC vào ngày 12/11/2017.

Theo đó, dự án có nguồn khí đầu vào từ các mỏ khí khu vực Alaska với tổng trữ lượng lên đến 35 Tcf. Dự án bao gồm nhà máy xử lý khí công suất trung bình 3,5 tỷ feet khối/ngày, đường ống khí thiên nhiên gần 1.300 km và tổ hợp sản xuất LNG công suất 20 triệu tấn/năm gồm 3 dây chuyền có khả năng xử lý 12.500 m3 LNG mỗi giờ, 2 bồn chứa công suất 240.000 m3, 2 cầu tàu có khả năng tiếp nhận tàu công suất đến 217.000 m3 (Q-flex).

Năm qua, PV GAS đã được gọi tên tại nhiều lễ vinh danh trong và ngoài nước. Thương hiệu PV GAS không chỉ được các tổ chức đánh giá của Việt Nam vinh danh mà nhiều tổ chức kiểm định, đánh giá quốc tế cũng nhiều lần tôn vinh.

Cụ thể, PV GAS liên tiếp lần thứ 6 được Forbes trao Chứng nhận Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (đứng thứ Nhì về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, nằm trong Top 3 công ty dẫn đầu về vốn hóa thị trường); Tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản - Nikkei Asian Review công bố tiếp tục là một trong 5 đại diện của Việt Nam có mặt trong danh sách 300 doanh nghiệp năng động nhất châu Á trong năm tài chính 2017; PV GAS đã được bầu chọn đứng thứ 5 trong 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018 do Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng Profit500 – 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018.

Tổng cục Thuế đã xác nhận PV GAS đứng vị trí thứ 3 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. PV GAS đứng thứ 6 trong Top 100 doanh nghiệp có chỉ số quản trị tài chính tốt nhất năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp bình chọn. Sản phẩm LPG của PV GAS cũng được Bộ Công Thương xác nhận là Thương hiệu Quốc gia 2018 - 2020.

Hải Long