Cuộc sống xanh

Phòng cháy chữa cháy ở chung cư còn nhiều tồn tại

Thứ sáu, 24/8/2018 | 15:38 GMT+7
Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở công trình xây dựng và các vấn đề thực tiễn” do Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay 24/8 tại Hà Nội.

Trong thời gian qua, cùng với sự quá trình phát triển – đô thị hóa mạnh là  sự xuất hiện các công trình nhà ở cao tầng có quy mô lớn tập trung đông người, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Vì một số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là các vấn đề còn tồn tại trong quản lý và thiết kế công trình nhà ở cao tầng , đã làm xuất hiện ngày càng nhiều các vụ tai nạn cháy nổ tại chung cư cao tầng gây nên nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tần suất và quy mô các vụ cháy theo thời gian cũng có biểu hiện gia tăng, vụ sau có nhiều thiệt hại hơn vụ trước.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Việt, Trưởng khoa Phòng cháy, Đại học Phòng cháy chữa cháy, hiện việc chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy và đưa công trình vào hoạt động của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, Ban quản trị chung cư vẫn chưa đầy đủ, còn nhiều tồn tại, phát sinh... Phổ biến vẫn là các vi phạm về điều kiện ngăn cháy lan, thoát nạn, hoạt động của hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Trong 2 quý của năm 2018, cả nước xảy ra 2.089 vụ cháy, giảm 275 vụ, khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy đối với 4.792 dự án công trình; kiểm tra nghiệm thu 2.777 công trình. Thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, cả nước hiện có 4.166 chung cư, nhà cao tầng; trong đó, có 538 nhà được xây dựng trước Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, chiếm 12,91% và 3.628 nhà được xây dựng sau Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, chiếm 87,09%.

Tuy nhiên, trong số 4.166 chung cư thì có 659 cơ sở chưa được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy chiếm 15,81%; 123 cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, chiếm 3%; 466 cơ sở không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, chiếm 11,2%; 447 cơ sở không có hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà... Trong số này thì nhà cao dưới 30 tầng là 3.982 toà, chiếm tới 95,58%. Số nhà cao trên 30 tầng chỉ chiếm 4,42% (tương đương 184 toà).

Về công năng sử dụng, chung cư có 2.204 toà, chiếm 52,9%; 637 nhà đa năng kết hợp căn hộ và Trung tâm thương mại chiếm 12,29%... Nhà cư, nhà cao tầng chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như: Tp. Hồ Chí Minh chiếm 36,53% với 1.522 toà; Hà Nội 1.626 toà, tương ứng 39,03%.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Phan Anh, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, các biện pháp cháy lan chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tại các vị trí kênh, giếng, trục kỹ thuật của toà nhà. Các điều kiện an toàn đối với hành lang, lối ra thoát nạn, cầu thang bộ thoát nạn trong toà nhà chưa được duy trì thường xuyên.

Đáng chú ý, tại các chung cư nhà ở xã hội, nhà tái định cư, chung cư mini, phổ biến là nhà chung cư cũ thì hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy ở mức tối thiểu. Hệ thống phòng cháy chữa cháy kém chất lượng hoặc không đảm bảo theo quy định nên sau thời gian hoạt động đã bị xuống cấp, hư hỏng, không đáp ứng chức năng, không tương xứng với tuổi thọ công trình. Cùng với đó là điều kiện hạ tầng giao thông, nguồn nước cũng đang có nhiều bất cập. Đa số các chung cư, nhà cao tầng được xây dựng cách đây 10 năm nên không đáp ứng yêu cầu để xe thang, xe chữa cháy tiếp cận các mặt của toà nhà khi triển khai hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Thanh Phương