Quy hoạch, xây dựng

Quy hoạch Giao thông: Thách thức trong phát triển đô thị

Thứ tư, 10/7/2019 | 16:10 GMT+7
Tình trạng gia tăng dân số quá nhanh tại các đô thị cùng với nhu cầu đi lại lớn tạo ra nhiều hệ lụy tất yếu. Đường sá chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh không đảm bảo khiến các đô thị Việt Nam nói chung và khu vực nội thành Hà Nội nói riêng đang phải đối diện với tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường…

Tại Hà Nội, dọc các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Láng Hạ, Tố Hữu…, chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh các phương tiện nêm kín mặt đường vào các giờ cao điểm. Tình trạng xe ôtô, xe máy chen chúc không theo làn đường quy định, cộng với quá nhiều nhà cao tầng khiến cho không gian ở đây luôn ngột ngạt, là sự ái ngại của người dân mỗi lần đi qua những tuyến đường này. Điều này cho thấy thực tế giao thông ở Hà Nội đang là một dẫn chứng "đắt" cho sự bất hợp lý trong quy hoạch xây dựng đô thị gắn với quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất.

Vấn đề lớn nhất đối với Hà Nội hiện nay là việc thực hiện quy hoạch chưa tốt dẫn đến quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường. Nếu thực hiện được đúng theo quy hoạch thì sẽ giải quyết được các vấn đề đô thị mà Hà Nội đang phải đối mặt.

Đồng tình quan điểm trên, một số chuyên gia nhấn mạnh, để cải thiện tình trạng giao thông của Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn khác nói chung, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và kiên quyết. Một trong những giải pháp quan trọng là quan tâm đến mối quan hệ giữa giao thông, nhu cầu đi lại và quy hoạch không gian, sử dụng đất.

Tình trạng ùn tắc thường phát sinh tại những tuyến trục chính hướng tâm và vành đai, các nút giao gần các khu đô thị lớn, các tòa nhà cao tầng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Bộ môn Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị (Đại học Xây dựng Hà Nội), cần tích hợp quy hoạch giao thông với quy hoạch sử dụng đất nhằm tăng sự lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông sẵn có, giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân…

Ngoài ra, hiện chưa có quy định về việc phải định kỳ thực hiện các điều tra khảo sát về dân số và nhu cầu giao thông để tìm ra các đặc thù của giao thông đô thị ở Hà Nội. Đây là nguyên nhân khiến cho việc phát hiện chính xác các vấn đề của giao thông Hà Nội trở nên khó khăn.

Theo các chuyên gia, giao thông quy hoạch là hai vấn đề quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch luôn là công việc khó khăn, phức tạp, chính vì vậy làm phát sinh rất nhiều vấn đề gây bức xúc. Ví dụ, phát triển nhiều khu đô thị mới nhưng tỷ lệ lấp đầy dân cư còn thấp do chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ hạ tầng dẫn đến khu vực nội thành vẫn đang quá tải. Trong quy hoạch các khu đô thị mới thường đã tính đến sự đồng bộ khép kín các hoạt động của con người, tuy nhiên nhiều khu chưa làm được. Việc phát triển hạ tầng giao thông tại các khu đô thị mới còn rất chậm. Trong khi, việc tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển đô thị đang thiếu sự chủ động của các nhà quản lý, đó là những vấn đề cần được giải quyết.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho biết, vấn đề quy hoạch - giao thông luôn là vấn đề thách thức trong phát triển đô thị hiện nay. Đối với Hà Nội, cũng như các đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội đang đối mặt với vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này thì việc lập quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hay tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển giao thông là vấn đề bắt buộc.

Thực tế cho thấy, tình trạng ùn tắc thường phát sinh tại những tuyến trục chính hướng tâm và vành đai, các nút giao gần các khu đô thị lớn, các tòa nhà cao tầng. Do đó, giải pháp lâu dài đối với Hà Nội là quy hoạch lại, ngay cả những khu dân cư đã ở lâu đời theo hướng thu gọn và tiện ích, sử dụng đất hỗn hợp, kết nối chuỗi dân cư mật độ cao bằng giao thông công cộng. Tiện ích xã hội nên ở ngay dưới chân mỗi tòa nhà.

Ngoài ra, trong việc tổ chức thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch, cần xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng, tiện ích tại các khu đô thị mới nhằm thu hút dân cư, giảm sự tập trung vào khu vực trung tâm. Đặc biệt, Nhà nước cần giữ vai trò chủ động trong tổ chức phát triển đô thị theo quy hoạch, không vì thiếu nguồn lực mà chạy theo nhà đầu tư…

Theo báo Xây dựng