Văn hóa, du lịch

Thú vị những phong tục đón Tết trên thế giới

Thứ sáu, 9/2/2018 | 10:44 GMT+7
Năm mới, nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới có những cách chào đón năm mới rất thú vị và độc đáo nhưng đều mong muốn một năm may mắn, hạnh phúc.

Tây Ban Nha ăn quả nho

Người Tây Ban Nha có tập tục ăn một quả nho mỗi khi đồng hồ điểm một giây để cầu mong 12 tháng tràn ngập hạnh phúc.

Nguồn gốc của tập tục này xuất phát từ năm 1909, năm đất nước bội thu nho và nhà vua quyết định sẽ ban số nho còn dư cho người dân sau khi đã nộp đủ theo quy định để mừng năm mới.

Ngày nay, người ta cho rằng ai có thể kịp ăn hết 12 quả nho trước khi đồng hồ điểm xong sẽ có một năm mới vô cùng may mắn và hạnh phúc.

Braxin cúng tế nữ thần biển

Người dân Braxin có truyền thống ném cành hoa trắng xuống những con sóng bạc đầu để cúng tế nữ thần biển Yemanja. Hằng năm, có hàng nghìn người thực hiện truyền thống này với hi vọng nữ thần sẽ ban phúc lành cho họ vào năm mới.

Ngoài ra, họ còn có thể ném những món đồ khác đặc trưng cho phái nữ như nước hoa, trang sức, son môi đặt trong những con thuyền gỗ nho nhỏ.

Scotland mời trai đẹp đến nhà xông đất

Để có một năm mới may mắn, người Scotland sẽ tìm cách mời bằng được những chàng trai cao ráo, da ngăm đen và đẹp trai làm vị khách đầu tiên đặt chân vào nhà mình trong năm mới. Gia chủ còn may mắn hơn nếu được khách mang rượu whiskey đến làm quà.

Đan Mạch đập đĩa

Ở Đan Mạch, người ta tin rằng, càng nhiều đĩa vỡ ngoài cửa sổ vào sáng mùng 1, gia chủ càng có nhiều bạn bè, vận may trong năm mới. Vì thế, vào giao thừa, họ sẽ ném những chiếc đĩa đã cũ vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè của mình.

Chile đón giao thừa ở nghĩa trang

Phong tục đón năm mới tại nghĩa trang ở thành phố Talca bắt đầu hình thành năm 1995 khi một gia đình nhảy qua hàng rào nghĩa trang để vào đón năm mới cùng người cha quá cố. Sau này, phong tục ngày càng lan rộng trong cộng đồng Talca nên cứ vào mỗi đêm giao thừa là người dân tập trung tại nghĩa trang để đón Tết cùng người thân đã mất.

Truyền thống này không phải để cầu may mà là dịp để gia đình tụ tập và cùng nhớ về những người đã khuất. Hiện nay trên 5.000 người mỗi năm ghé thăm các nghĩa trang, thắp nến, chơi nhạc cổ điển cùng những người thân mà họ tin rằng đang chờ đợi họ đến cùng chung vui.

Nga và Siberia ngâm mình trong hồ nước đầy băng tuyết

Một số nước ở khu vực Đông Âu như Siberia và Nga có một phong tục đón năm mới tương đối “sốc”. Đó chính là ngâm mình trong hồ nước phủ đầy băng tuyết với một nhánh cây trên tay. Sau đó, họ sẽ thưởng thức những ly rượu Vodka để làm ấm lại cơ thể.

Ở Siberia một số nơi còn thực hiện trồng cây dưới nước. Họ sẽ cắt một lỗ trên mặt băng hồ Baikal, sau đó đem theo một cây lặn xuống trồng dưới đáy hồ. Tuy nhiên, phong tục này chỉ dành cho những thợ lặn chuyên nghiệp.

Phần Lan nấu chảy kim loại

Vào năm mới, người Phần Lan thường nấu chảy kim loại, nhúng kim loại nấu chảy vào nước lạnh rồi lấy ra. Hình dạng của khối kim loại sau khi lấy ra khỏi nước sẽ dự đoán tương lai của họ trong năm mới.

Peru giải quyết ân oán

Một số làng ở Peru thường tổ chức lễ hội Takanakuy mừng năm mới vào cuối tháng 12. Trong lễ hội này, người dân trong làng sẽ đấu tay đôi với nhau để giải quyết ân oán cũ hoặc thể hiện sức mạnh. Kết quả các trận đấu có ý nghĩa trong việc phân bậc các vị trí trong làng. Sau những trận đấu, cả làng sẽ cùng nhau múa hát chào đón năm mới.

Nhật Bản mặc quần áo hình con giáp

Vào thời điểm giao thừa, các tín đồ sùng đạo mặc bộ quần áo hình con giáp của năm đến những ngôi đền, chùa ở địa phương làm lễ. Lúc này tiếng chuông ở các chùa lớn của Nhật thi nhau vang lên. Người ta đánh 108 hồi chuông để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở, theo như lời răn của đạo Phật. Hiện nay, rất nhiều ngôi chùa ở Nhật Bản dành việc đánh chuông cho 108 người dân đến lễ chùa sớm nhất ở thời điểm đó. Được là 1 trong 108 người gióng lên hồi chuông báo hiệu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới là mong muốn của rất nhiều người Nhật vì đó là dấu hiệu may mắn đầu tiên ngay trước thềm năm mới.

 

 

Tuấn Kiệt