Năng lượng phát triển

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Thứ tư, 1/8/2018 | 10:09 GMT+7
Kết luận tại Hội nghị “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra ở thành phố Đà Lạt ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những nội dung quan trọng như thực trạng, những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách cũng như những “điểm nghẽn” cản trở việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp (quy hoạch, kế hoạch, hạ tầng; tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, giống; công nghệ; thị trường; thủ tục hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm…). Cùng với đó, các ý kiến tập trung nhận định, phân tích các giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...

Toàn cảnh Hội nghị

Trong phần khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận các giải pháp đảm bảo thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, những cam kết quốc tế; trách nhiệm bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là bảo đảm lợi ích của người nông dân đã đóng góp đất đai cho doanh nghiệp…

Đánh giá về vai trò quan trọng của nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Năm 2017, Việt Nam có hơn 9 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD gồm: thuỷ sản 8,3 tỷ USD; rau quả 3,05 tỷ USD; hạt điều 3,5 tỷ USD; cà phê 3,24 tỷ USD; hạt tiêu 1,1 tỷ USD; gạo 2,6 tỷ USD; sắn và các sản phẩm từ sắn 1,03 tỷ USD… 6 tháng đầu năm 2018, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: thủy sản hơn 3,9 tỷ USD; cà phê 2 tỷ USD; rau quả 2 tỷ USD; gạo 1,8 tỷ USD; hạt điều 1,7 tỷ USD… Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận xét: “Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp; ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; thị trường tiêu thụ nông sản còn thiếu ổn định”…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, các cơ quan liên quan và Văn phòng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với lộ trình và giải pháp cụ thể, nhất là các cơ chế chính sách, giải pháp mới, đột phá để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, trình Chính phủ để sớm ban hành. Sau khi khẳng định những thành công của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gia qua và nêu rõ vai trò “hạt nhân”, “lực lượng tiên phong trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới…” của doanh nghiệp, Thủ tướng nêu 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Bao gồm: tập trung rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp. Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường. Cải cách cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trong đó chú trọng vấn đề sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh, thành tham quan các gian hàng nông sản

chất lượng cao của Lâm Đồng

Bên cạnh đó cần rà soát, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi tín dụng, đặc biệt đối với các dự án nông nghiệp tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Rà soát, hoàn thiện và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng môi trường kinh doanh nông sản.

“Để các định hướng và 9 giải pháp nêu trên đi vào thực tiễn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò quyết định, từng công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm của mình, nghĩa vụ của mình và nghiêm túc thực hiện, theo tinh thần ủng hộ, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc; bảo vệ quyền về tài sản của doanh nghiệp, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh và phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Lãnh đạo tổ chức Ngân hàng quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài tham dự Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ và các bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, cụ thể hóa các giải pháp trên vào công việc cụ thể của Bộ, cơ quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW khẩn trương triển khai các nhiệm được giao; theo thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phủ hợp về đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các Hiệp hội ngành hàngcần có điều kiện tiên quyết, trước hết là sự đồng lòng, đồng tâm…

Phan Minh Đạo