Năng lượng mặt trời

6 tháng đầu năm 2020: Huy động 4,71 tỷ kWh điện mặt trời

Thứ hai, 13/7/2020 | 09:46 GMT+7
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm 2020 đã huy động 5,41 tỷ kWh từ nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời đạt 4,71 tỷ kWh, tăng gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của EVN cũng cho biết, tháng 6/2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 22,01 tỷ kWh, tăng 1,26% so với tháng 6/2019. Sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 733,8 triệu kWh/ngày, tăng 10,54% so với tháng 5/2020. Trong đó, sản lượng ngày lớn nhất đạt 792,9 triệu kWh (ngày 9/6), công suất phụ tải lớn nhất đạt 38.617MW (ngày 24/6).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 119,42 tỷ kWh, tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: 

Thủy điện huy động 21,55 tỷ kWh, giảm 27,79% so với cùng kỳ năm 2019; 

Nhiệt điện khí huy động 19,24 tỷ kWh, giảm 15,67 % so với cùng kỳ năm 2019; 

Nhiệt điện than huy động 69,77 tỷ kWh, tăng 16,03 % so với cùng kỳ năm 2019; 

Nhiệt điện dầu huy động 1,04 tỷ kWh, tăng 41,61% so với cùng kỳ năm 2019;

Năng lượng tái tạo huy động 5,41 tỷ kWh, trong đó điện mặt trời đạt 4,71 tỷ kWh, tăng gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 13.784 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 379,9 MWp. Lũy kế đến nay, đã có 36.161 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 764,1MWp.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1

Trong 6 tháng năm 2020, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 66,52 tỷ kWh, chiếm 54,87% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 35,23 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 29,5%.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong 6 tháng ước đạt 103,17 tỷ kWh, tăng 2,29% so cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng điện truyền tải tháng 6/2020 đạt 18,41 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng năm 2020, sản lượng điện truyền tải đạt 100,06 tỷ kWh, tăng 1,15% so cùng kỳ năm trước.

Đến hết tháng 6 năm 2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 58,40%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 86,49%. Công tác tiếp nhận và giải quyết yêu cầu khách hàng qua các kênh cung cấp dịch vụ: trong 6 tháng các đơn vị đã tiếp nhận gần 4,35 triệu yêu cầu dịch vụ điện, trong đó tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử đạt 61,17%. Đến nay, số yêu cầu các dịch vụ điện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia chiếm 76,57% trên tổng số yêu cầu cung cấp dịch vụ công của các bộ/ngành/địa phương trên kênh này. Đối với phản ánh của một số khách hàng sinh hoạt về hiện tượng hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường, EVN đã phối hợp Hội bảo vệ Người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khẩn trương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ nguyên nhân và thông tin tới dư luận.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, các đơn vị của EVN đã rất nỗ lực, tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án. Đối với các dự án nguồn điện: đã đưa vào vận hành thương mại dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng; phát hành chứng chỉ PAC dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa dự án Thủy điện Thượng Kon Tum để chuẩn bị phát điện trong tháng 9/2020; tổ chức nghiệm thu đóng điện thử nghiệm dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1.

Các dự án nguồn điện trọng điểm khác như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Ialy mở rộng, Thủy điện Trị An mở rộng... cơ bản đáp ứng mục tiêu kế hoạch năm 2020. 

Đối với các dự án lưới điện: trong tháng 6/2020 đã khởi công được 30 công trình và hoàn thành đóng điện 19 công trình lưới điện 110 - 500kV (gồm 3 công trình 500kV, 01 công trình 220kV, 15 công trình 110kV). Lũy kế 6 tháng đầu năm, đã khởi công 75 công trình, hoàn thành đóng điện 56 công trình lưới điện 110 - 500kV (gồm 7 công trình 500kV, 06 công trình 220kV, 43 công trình 110kV). Đặc biệt, công trình trạm biến áp 220kV Ninh Phước (2x250MVA) hoàn thành đóng điện vượt tiến độ, cơ bản giải toả hết các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; công trình này cũng được lựa chọn gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ EVN lần thứ III.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm 2020 của Tập đoàn dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó: nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện; mực nước các hồ thủy điện đang ở mức thấp, đặc biệt các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà vẫn đang ở mức thấp; đại dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến giá nhiên liệu và thị trường tài chính thu xếp vốn, việc nhập khẩu vật tư thiết bị và chuyên gia kỹ thuật; công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2020, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, Tập đoàn đề ra một số chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2020.

Vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống, bám sát tình hình phụ tải, diễn biến thời tiết - thuỷ văn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống cực đoan, bất lợi. Sẵn sàng các phương án phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão. Tích cực tuyên truyền về việc thực hiện các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong nhân dân.

Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam.

Về đầu tư xây dựng nguồn điện: phấn đấu hoàn thành phát điện 2 tổ máy dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, hoàn thành phát điện dự án Điện mặt trời Phước Thái 1 và Sê San 4, chuẩn bị khởi công dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Về đầu tư xây dựng lưới điện: phấn đấu đóng điện công trình đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 vào cuối năm 2020; đẩy nhanh tiến độ đóng điện các dự án trọng điểm như: các dự án phục vụ đấu nối, cấp điện thử nghiệm các Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương, Nghi Sơn, Vân Phong; các dự án giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo: đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, trạm biến áp 220kV Cam Ranh, trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo; các dự án giải tỏa công suất các nguồn thủy điện Tây Bắc, các dự án phục vụ mua điện Lào; các dự án đảm bảo cung cấp điện cho TP Hà Nội, khu vực miền Nam và các khu vực kinh tế trọng điểm: đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín, đường dây 220kV Hòa Bình - Hà Đông, nâng công suất trạm biến áp 500kV Quảng Ninh; trạm biến áp 500kV Chơn Thành; đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa, trạm biến áp 500kV Đức Hòa...

Tiến Đạt