Bất động sản

Bản tin bất động sản số 30/2020

Thứ hai, 7/9/2020 | 10:53 GMT+7
Thị trường dịch vụ khách sạn tiếp tục rơi vào trạng thái ngủ đông, TPHCM điều chỉnh 7 dự án khu tái định cư phục vụ khu công nghệ cao, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công... là những tin tức bất động sản nổi bật trong tuần qua.

Thị trường dịch vụ khách sạn tiếp tục rơi vào trạng thái ngủ đông

Theo CBRE, dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn càng gặp nhiều khó khăn hơn. Sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới.

CBRE nhận định, tình hình hoạt động của các khách sạn trong quý III sẽ tiếp tục khó khăn và không có nhiều biến chuyển so với quý II trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lây lan. Đánh giá trong dài hạn, CBRE vẫn cho rằng, triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam rất khả quan nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.

Ảnh minh họa

Hơn nữa, Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch. Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Trước đó, làn sóng cách ly xã hội và hạn chế di chuyển ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã khiến cho thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái ngủ đông trong suốt nửa đầu năm 2020.

Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong 6 tháng đầu năm 2020 với mức giảm lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyến bay quốc tế bị buộc phải dừng kể từ cuối tháng 3 khiến lượng khách quốc tế đến giảm mạnh gần 99% chỉ trong quý II.

Doanh thu trên mỗi phòng trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TPHCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính con số này toàn thị trường thì mức giảm giảm khoảng 55%. Trong đó, công suất phòng giảm sút nghiêm trọng trong tháng 4, giai đoạn diễn ra cách ly toàn xã hội và bắt đầu được cải thiện trong tháng 5 và tháng 6 nhờ vào lượng khách nội địa bắt đầu du lịch trở lại.

Riêng đối với thị trường khách sạn cao cấp tại Hà Nội và TPHCM, vốn phụ thuộc đáng kể vào nguồn khách quốc tế nên công suất phòng tại hai thị trường này chỉ tăng nhẹ trong khoảng từ 1 - 1,5 điểm % trong những tháng vừa rồi.

TPHCM điều chỉnh 7 dự án tái định cư phục vụ khu công nghệ cao

Theo báo Người lao động đưa tin, UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương điều chỉnh, bổ sung mục tiêu sử dụng đối với 7 dự án tái định cư từ phục vụ khu công nghệ cao thành phục vụ tái định cư dự án khu công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.

Cụ thể: khu tái định cư Long Sơn, khu tái định cư Man Thiện, khu tái định cư Cây Dầu 1, khu tái định cư Cây Dầu 2, khu tái định cư Cầu Xây, khu tái định cư Long Bửu (giai đoạn 1 và giai đoạn 2).

Đối với các dự án thuộc khu tái bố trí dân cư 18,75 ha tại phường Hiệp Phú và phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9), UBND TP giao Ban Quản lý khu công nghệ cao báo cáo các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh tăng quy mô dự án, thay đổi chủ trương sử dụng nguồn vốn đầu tư dự án trong giai đoạn Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghệ cao là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý khu công nghệ cao và UBND TP (chủ sở hữu).

Ngoài ra, UBND TP cũng phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố ở quận 2.

Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 6,7594 lên 15,0762; đất nông nghiệp từ 12,5378 lên 12,7611 và đất ở bố trí tái định cư từ 5,3333 lên 6.

Trong 8 tháng đầu năm, 620 doanh nghiệp bất động sản phá sản

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020. Theo đó, nhờ kết quả tích cực từ việc dịch bệnh được kiểm soát trong đợt một và đợt dịch thứ hai mới bắt đầu từ cuối tháng 7/2020 nên số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lượng doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh bất động sản giải thể nằm trong top đầu với 620 doanh nghiệp.

COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành kinh doanh bất động sản

Đứng sau đó là dịch vụ lưu trú và ăn uống có 589 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 566 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 431 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 396 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 379 doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 3.800 doanh nghiệp.

Trong tháng 8, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 13.400 doanh nghiệp, tăng 1,5% so với tháng 7. Tuy nhiên, nếu tính chung cả 8 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 88.700 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 8 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng trong khoảng thời gian này, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 34.300 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể là 24.400 doanh nghiệp và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 10.400 doanh nghiệp.

Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

UBND TP Hà Nội vừa có chỉ đạo về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020.

Đến nay, theo số liệu báo Nhân Dân đăng tải, TP Hà Nội đã giải ngân được 49,6% trong tổng số vốn đầu tư công 40.671,4 tỷ đồng được giao kế hoạch năm 2020. Với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020, TP đề ra 6 giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tới.

Trong đó, trọng tâm là: rà soát các nguồn vốn, thực hiện nghiêm Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2020 tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vào cuối tháng 8. Thành lập các tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng; trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc. Xây dựng phương án điều hòa vốn, kiên quyết chuyển nguồn vốn sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn đối với những công trình làm chậm, những công trình có khối lượng, khả năng thanh toán không kịp.

UBND TP Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội và chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công của TP nghiêm túc, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020.

Thu Uyên (t/h)