Bất động sản

Bản tin bất động sản số 41/2022

Thứ hai, 24/10/2022 | 08:30 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn số 6118/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.

Kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ sử dụng đất

Theo đó, để tiếp tục, tăng cường xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất của các dự án vi phạm nhằm đẩy nhanh việc đưa đất vào sử dụng có hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, tránh lãng phí đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định (điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013) của pháp luật đất đai.

Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các dự án, công trình có vi phạm. Kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng.

Tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và gửi thông tin để đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.

Tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, UBND các tỉnh, thành cần rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đánh giá nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của việc không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm. Tập trung nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính (đầu tư, đất dai, xây dựng...) để đôn đốc chủ đầu tư các dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giao Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các tỉnh, thành phố có nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất mà chưa được xử lý; các dự án sử dụng nhiều diện tích đất nhưng chậm đầu tư đưa đất vào sử dụng, các dự án vi phạm chậm tiến độ đã quá lâu nhưng chưa xử dứt điểm, để hoang hóa, lãng phí đất đai...

Sớm hoàn thiện báo cáo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô

UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc, chuẩn bị tốt cho công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và kế hoạch đề ra.

Trong văn bản, UBND Thành phố Hà Nội nhận định, hiện nay, các nội dung công việc theo kế hoạch và các chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội về nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô chậm so với yêu cầu tiến độ đề ra.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ công tác lập Quy hoạch Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô theo quy định.

Các đơn vị kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi thí điểm làm việc với các Sở Công Thương, Văn hóa - Thể thao, UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; xây dựng kế hoạch, tổ chức làm việc với các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn xây dựng báo cáo, thu thập số liệu, tài liệu theo chức năng nhiệm vụ được giao để chuẩn bị cho công tác lập Quy hoạch Thủ đô.

Sớm hoàn thiện báo cáo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cần chuẩn bị các nội dung công việc như tổ chức xây dựng báo cáo đầu kỳ, tổ chức hội thảo, hoàn thiện báo cáo UBND Thành phố và Ban chỉ đạo của Thành phố; chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan hoàn thiện báo cáo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô để tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 10/2022.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thành phố yêu cầu phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố thực hiện các nội dung báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình tiến độ triển khai, những khó khăn vướng mắc khi tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô; thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến về tiến độ lập quy hoạch trên hệ thống thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tổ chức thẩm định, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô theo quy định…

Ngoài ra, UBND Thành phố Hà Nội cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Sở Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài Nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tập trung triển khai các công việc liên quan như: hướng dẫn thanh toán vốn sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch; rà soát, nghiên cứu các nội dung liên quan đến tổ chức không gian phát triển, hệ thống bản đồ, bản vẽ trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô; cung cấp các tài liệu, số liệu, thông tin về hiện trạng sử dụng đất thành phố… để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô.

UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát kế hoạch triển khai lập quy hoạch theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách; tiếp tục hoàn thiện báo cáo phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô và phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội để triển khai các nội dung công việc theo theo hướng dẫn để đảm bảo yêu cầu.

Hà Nam kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư hơn 520 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa có văn bản mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án khu dân cư mới kết hợp chỉnh trang đô thị tổ dân phố Hoàng Lý, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên (DT-ĐT16.22) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 520,28 tỷ đồng.

Dự án khu dân cư mới kết hợp chỉnh trang đô thị tổ dân phố Hoàng Lý có tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 520 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện 502,864 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 17,415 tỷ đồng). Diện tích sử dụng đất dự án khoảng 16,5ha, mục tiêu hình thành khu dân cư mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp chỉnh trang khu dân cư hiện trạng.

Ảnh minh họa

Dự án sẽ đầu tư xây dựng 179 căn nhà ở liền kề, liền kề mặt phố diện tích khoảng 1,88ha; mật độ xây dựng trung bình 80%; cao 4 tầng + 1 tum. Dự án có thời hạn là 50 năm, tiến độ thực hiện từ năm 2022 - 2025. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước 9 giờ ngày 21/11/2022.

Hạ Quyên