Bản tin môi trường số 20/2022

Thứ hai, 30/5/2022 | 10:24 GMT+7
Ngày 26/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ký kết bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Hợp tác thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, BIDV đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các dự án xanh, năng lượng tái tạo, thời gian qua đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và mong muốn được tham gia thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Vì vậy, Bộ TN&MT mong muốn hợp tác với BIDV để góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược xanh ở Việt Nam, đồng thời rất kỳ vọng với kinh nghiệm và năng lực của mình, BIDV sẽ phát triển mạnh các hoạt động tài chính xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tham gia phát triển thị trường carbon, hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm góp phần thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng carbon thấp.

Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Bộ TN&MT và BIDV

Đồng thời, thông qua bản ghi nhớ, Bộ TN&MT cũng sẽ hỗ trợ BIDV tăng cường năng lực thẩm định rủi ro môi trường, xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro môi trường đối với các dự án, là điều kiện tiên quyết để phát triển các sản phẩm tài chính bền vững theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thị trường Việt Nam. Đặc biệt, bản ghi nhớ sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tham gia của khối doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đánh giá, việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa hai bên sẽ là những bước đầu tiên, rất thiết thực để “xanh hóa” bảng cân đối của hệ thống ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng phục vụ chuyển đổi mô hình kinh tế carbon thấp và chuyển đổi năng lượng vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Đại sứ Hoa Kỳ làm việc với Bộ TN&MT về lĩnh vực môi trường

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã vừa có buổi làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper về mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là trong triển khai các kết quả của COP26 và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với những mục tiêu chung của Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Việt Nam rất cần các nguồn lực về tài chính, công nghệ, chính sách quản trị để thực hiện các chương trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giải quyết bài toán bảo tồn nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế…

Bộ trưởng hy vọng, Đại sứ Marc E.Knapper với vai trò là cầu nối sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quốc gia, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực TN&MT. Trong đó mong muốn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, hỗ trợ chuyên môn và công nghệ, nâng cao năng lực để Việt Nam thực hiện các cam kết cũng như các Sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Đại sứ Marc E.Knapper đánh giá cao sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đồng thời cho biết sẽ thúc đẩy, mở rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của COP26 và lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Việt Nam kêu gọi bảo vệ và cung cấp nguồn nước trong xung đột vũ trang

Ngày 24/5, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) phối hợp với các tổ chức quốc tế chủ trì cuộc thảo luận trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ nguồn nước và cơ sở hạ tầng cung cấp nước trong xung đột vũ trang”.

Với tư cách là bên tổ chức, Việt Nam kêu gọi tất cả các bên nâng cao nhận thức và thực hiện nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế; khuyến khích Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những thách thức đối với an ninh nguồn nước trong xung đột. Theo đó, đại diện phái đoàn Việt Nam kêu gọi tất cả các bên liên quan nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hiện các nghĩa vụ theo Luật Nhân đạo quốc tế; khuyến khích Hội đồng Bảo an thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để giải quyết những thách thức của việc mất an ninh nguồn nước trong xung đột vũ trang.

Bảo vệ nguồn nước và cơ sở hạ tầng cung cấp nước trong xung đột vũ trang

Tại cuộc thảo luận, các đại biểu đều chia sẻ quan ngại về hậu quả nghiêm trọng của việc phá hủy hoặc làm ô nhiễm nguồn nước trong xung đột vũ trang, cũng như những tác động tiêu cực của vấn đề này đến môi trường sống và cuộc sống lâu dài của người dân, trong đó có những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em. Tình trạng này diễn ra tại nhiều khu vực xung đột, điểm nóng trên thế giới, từ Trung Đông tới Bắc Phi, trong đó có nhiều vấn đề đang trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.

Mỹ Dung