Bản tin môi trường số 21/2022

Thứ hai, 6/6/2022 | 09:19 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cùng đoàn công tác Bộ TN&MT mới đây đã đến thăm và làm việc tại trụ sở chính của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước.

Pháp hỗ trợ Việt Nam trong quản lý tài nguyên nước

Đây là hoạt động khởi đầu cho chuỗi các sự kiện gặp gỡ chính thức của đoàn công tác Bộ TN&MT Việt Nam với các cơ quan phụ trách vấn đề nước của Pháp trong khuôn khổ chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước phục vụ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Thomas Melonio, Giám đốc Điều hành phụ trách đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và tri thức của AFD cho biết, AFD đã và đang có nhiều hỗ trợ cho Bộ TN&MT Việt Nam về các lĩnh vực như biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Đoàn công tác Bộ TN&MT Việt Nam thăm và làm việc tại trụ sở chính của AFD

Theo ông Thomas Melonio, để giải quyết các thách thức về BĐKH ở Việt Nam, cần có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các bên, đặc biệt là về công tác lập quy hoạch và nghiên cứu, đồng thời phải tiếp cận theo hướng đa ngành, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với BĐKH. Các bên cũng cần có những việc làm cụ thể, song song nghiên cứu cả về mặt kinh tế, kỹ thuật, chính sách và thể chế trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, tài nguyên nước là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nhanh chóng cũng là nguyên nhân tạo ra những áp lực lên tài nguyên nước. Theo đó, trong chuyến công tác lần này, đoàn công tác của Bộ TN&MT mong muốn học hỏi kinh nghiệm của AFD và các cơ quan phụ trách vấn đề nước của Pháp về mô hình quản lý lưu vực sông, các nguồn lực tài chính, đặc biệt là cơ chế thu hút doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam tham gia vào công tác bảo vệ nguồn nước… Hiện Bộ TN&MT đang gấp rút xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2023.

Liên quan đến các hỗ trợ hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới, đại diện AFD cũng cho biết, Pháp sẽ hỗ trợ không chỉ về mặt chính sách mà cả về mặt tài chính, tài trợ cho các dự án xanh, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam.

Nâng cao thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực biển và hải đảo

Mới đây, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011 - 2021 và định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực biển và hải đảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, các chương trình, nhiệm vụ, đề tài KH&CN các cấp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo, cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý biển và hải đảo.

Triển khai ứng dụng các tiến bộ, thành tựu KH&CN để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường

Đồng thời, góp phần phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, cấu trúc địa chất bờ biển, đáy biển và các đảo, đánh giá được tiềm năng, trữ lượng khoáng sản, tài nguyên sinh vật biển. Từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ, thành tựu KH&CN để khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai.

Qua đây, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý và trao đổi thảo luận tập trung xác định những lĩnh vực trọng tâm cần triển khai để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; xác định, chỉ rõ những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để điều chỉnh trong khuôn khổ trách nhiệm quản lý của Bộ; từ đó triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực biển và hải đảo định hướng năm 2030.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hưởng ứng các sự kiện môi trường

Ngày 31/5, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức sự kiện trực tuyến "Tử tế vì môi trường"; trao giải cuộc thi "Sáng tác thông điệp truyền thông về bình đẳng giới trong phòng, chống thiên tai trước bối cảnh Covid-19 và đề cử các gương mặt phụ nữ, sáng kiến về bình đẳng giới trong phòng, chống thiên tai" hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2022.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với trách nhiệm của mình, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả.

Sự kiện trực tuyến "Tử tế vì môi trường" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức

Cụ thể, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng; đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều hoạt động đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác; giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa; trồng cây xanh, con đường hoa… khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống. 

Tại sự kiện, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam kêu gọi hội viên, phụ nữ, các tổ chức, cá nhân cùng nhau tích cực chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất từ những việc nhỏ hàng ngày để tạo nên sự thay đổi lớn cho môi trường toàn cầu. Tử tế vì môi trường chính là tử tế cho chính mỗi người và cuộc sống của chúng ta.

Lam An