Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 1/2020

Thứ hai, 6/1/2020 | 09:17 GMT+7
Tuần qua, một số dự án điện gió đã được khởi công tại Sóc Trăng, Quảng Trị.

Quảng Trị khởi công 3 nhà máy điện gió gần 5.000 tỷ đồng

Tại xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Công ty CP Thủy điện Đakrông cùng các nhà đầu tư vừa tổ chức lễ động thổ xây dựng 3 nhà máy điện gió có tổng công suất 144 MW, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Nhà máy điện gió Phong Liệu do Công ty CP Điện gió Phong Liệu làm chủ đầu tư, được xây dựng tại các xã Tân Thành, Hướng Linh và Hướng Tân. Nhà máy điện gió Phong Huy do Công ty CP Điện gió Phong Huy làm chủ đầu tư được xây dựng tại các xã Tân Thành và Hướng Tân. Nhà máy điện gió Phong Nguyên do Công ty CP Điện gió Phong Nguyên làm chủ đầu tư được xây dựng tại các xã Tân Thành, Hướng Phùng. Mỗi nhà máy có công suất 48 MW, mức đầu tư 1.600 tỷ đồng. Các nhà máy điện gió này sẽ được sử dụng thiết bị, công nghệ tiêu chuẩn châu Âu.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại lễ động thổ, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao sự quyết tâm của nhà đầu tư, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, địa phương liên quan và sự đồng tỉnh ủng hộ của người dân để các nhà máy khởi công đúng tiến độ. Ông Chính cũng bày tỏ mong muốn, doanh nghiệp sẽ làm tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất để nhà máy hoàn thành theo tiến độ đề ra, sớm đi vào hoạt động để có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sóc Trăng: Khởi công xây dựng Nhà máy điện gió Lạc Hòa

Tại Sóc Trăng, Công ty CP Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu mới đây đã phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng Nhà máy điện gió Lạc Hòa, giai đoạn 1 - tỉnh Sóc Trăng.

Theo ông Phạm Văn Hiếu, Giám đốc Công ty CP Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Lạc Hòa - giai đoạn 1 tỉnh Sóc Trăng, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là trên 1.300 tỷ đồng. Khi được đưa vào vận hành, mỗi năm, nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 93 triệu KWh và cả giai đoạn 2 của nhà máy sẽ góp tổng cộng ít nhất 160 triệu KWh; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Dự kiến, dự án sẽ được đấu nối hòa lưới điện quốc gia vào quý II/2021.

Dự án nhà máy điện gió Lạc Hòa giai đoạn 1 được xây dựng tại bãi bồi ven biển xã Lạc Hòa và phường 2 (thị xã Vĩnh Châu), có công suất giai đoạn 1 là 30MW, lắp đặt 8 tuabine gió (bao gồm 6 tuabine công suất 3,8MW và 2 tuabine công suất 3,6MW), 1 trạm biến áp 22/110kV - 40MVA, đường dây 110kV - 2 mạch dài khoảng 8,9km và mở rộng hai ngăn lộ tại TBA 110kV Vĩnh Châu để đấu nối dự án với lưới điện quốc gia.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cảm ơn nhà đầu tư đã quan tâm đầu tư vào địa phương trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch. Đây là một trong những dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Sóc Trăng, sau khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích lâu dài, bền vững, không những góp phần tự bảo đảm cân đối nguồn điện cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực, phát triển du lịch tại địa phương...

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng mong muốn Công ty CP năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu tập trung nguồn lực, sớm hoàn thành dự án có chất lượng, đúng kế hoạch; thực hiện tốt cam kết trong đăng ký đầu tư, đảm bảo an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước.

EVN ký kết hợp đồng mua bán điện với hai tập đoàn của Lào

Tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã ký kết hợp đồng mua bán điện với hai tập đoàn: Phongsubthavy và Chealun Sekong của Lào.

Theo đó, EVN ký kết 05 hợp đồng mua bán điện (bán điện cho Việt Nam), với hai nhà đầu tư thủy điện lớn của Lào là Tập đoàn Phongsubthavy và Tập đoàn Chealun Sekong. Cụ thể, EVN ký với Tập đoàn Phongsubthavy hợp đồng mua bán điện sự án Thủy điện Nậm San 3A, Nậm San 3B.

Đồng thời, EVN ký với Tập đoàn Chealun Sekong hợp đồng mua bán điện dự án Thủy điện Nậm Emoun, Nậm Kông 2, Nậm Kông 3.

Chủ trương mua điện từ các nhà máy thủy điện nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong năm 2019. Việc đàm phán các hợp đồng mua bán điện theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Thủ đô của Australia dùng hoàn toàn điện năng từ năng lượng tái tạo

Thủ đô Canberra của Australia vừa trở thành thành phố thứ 8 trên thế giới chuyển đổi sang sử dụng 100% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo.

Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã được chính quyền Canberra lên kế hoạch và thực hiện từ khoảng 6 - 7 năm trước, bắt đầu từ các dự án trang trại gió và năng lượng mặt trời, cung cấp khoảng 5% điện năng cho thành phố. Đến nay, Canberra đã hoàn thành hệ thống đường dây tải điện, tiến hành đấu giá thành công với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo trong khu vực và tại 4 tiểu bang khác trên toàn quốc.

Thủ đô Canberra hiện dùng hoàn toàn điện năng từ năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Chính quyền thành phố Canberra ước tính việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo sẽ giúp cắt giảm 40% lượng khí phát thải, xuống dưới mức của năm 1990 và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045.

Cùng với đó, chính quyền Canberra cũng xem xét tới việc thay thế các loại xe ô tô công vụ, xe buýt và thậm chí cả xe cứu hỏa sang dòng xe điện, thân thiện với môi trường.

PV