Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 22/2021

Chủ nhật, 13/6/2021 | 16:05 GMT+7
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, riêng tỷ lệ huy động nguồn điện mặt trời đạt 11,48 tỷ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Huy động nguồn điện mặt trời tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020

EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 5/2021 đạt 23,98 tỷ kWh, đạt 104% kế hoạch. Lũy kế 5 tháng đạt 104,66 tỷ kWh, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tỷ lệ huy động một số nguồn chính như sau: 

Thủy điện đạt 24,01 tỷ kWh, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nhiệt điện than đạt 54,13 tỷ kWh, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 51,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tuabin khí đạt 13,28 tỷ kWh, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 12,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 12,35 tỷ kWh, tăng 159,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (riêng điện mặt trời đạt 11,48 tỷ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ).

Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Điện nhập khẩu đạt 556 triệu kWh, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 5/2021 ước đạt 19,67 tỷ kWh, tăng15,4% so với tháng 5/2020. Lũy kế 5 tháng đạt 90,51 tỷ kWh, tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống

Theo EVN, tháng 6/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 799 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 41.556 MW. EVN sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.

Khai thác các nguồn điện đảm bảo tối ưu đồng thời thủy điện – nhiệt điện; huy động thủy điện theo nước về, đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương. Các Tổng công ty Phát điện đảm bảo khả dụng các tổ máy cao nhất có thể trong các tháng mùa khô của năm 2021. Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam.

EVN cũng sẽ đôn đốc các đơn vị khắc phục khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện và tiến độ đóng điện các công trình lưới điện quan trọng. Phấn đấu hoàn thành đóng điện đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3) và đường dây 500kV đấu nối nhiệt điện Nghi Sơn 2...

Ngoài ra, trong tháng 6/2021, EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo điện mùa khô, đồng thời chỉ đạo các Tổng công ty/Công ty Điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24g để đối phó, xử lý kịp thời với các tình huống quá tải cục bộ, xử lý kịp thời sự cố, tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. 

Thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác Việt Nam – EU trong lĩnh vực năng lượng

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã chủ trì buổi tiếp xã giao Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti để trao đổi về tình hình hợp tác song phương và thực thi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.

Tại buổi làm việc, hai bên khẳng định coi trọng mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng; đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hợp tác trong thời gian tới, cũng như kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc giữa hai bên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi tiếp xã giao Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti. (Ảnh: moit.gov.vn)

Chia sẻ tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Thực tế, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU trong những tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng khả quan, tác nhân đáng kể nhờ vào việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA từ ngày 1/8/2020. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt 18,26 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề và phương hướng tăng cường hợp tác song phương, cũng như thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian tới, đảm bảo lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ Công Thương mong muốn phía EU mà đại diện là Phái đoàn EU tại Hà Nội sẽ tiếp tục ủng hộ, dành những ưu tiên hỗ trợ quý báu để thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam như Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP), Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG).

Ngoài ra, với thế mạnh của EU trong các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tự động hóa máy móc, cơ khí… Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ phía EU để hỗ trợ xây dựng một ngành công nghiệp vững mạnh, hiện đại, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, những lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi công nghệ mới.

Đắk Lắk đề nghị bổ sung thêm công suất điện gió vào quy hoạch

UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất bổ sung thêm công suất điện gió của tỉnh này vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn số 4744/UBND-CN ngày 1/6/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương để đề xuất bổ sung thêm công suất điện gió của tỉnh này vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất tăng từ 490MW lên 1.500MW cho giai đoạn 2021 - 2025; từ công suất 448MW lên 1.500MW cho giai đoạn 2026 - 2030 nhằm tạo điều kiện giúp tỉnh phát triển kinh tế xã hội, từng bước tự chủ về ngân sách, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương (đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII), tiềm năng kỹ thuật điện năng lượng mặt trời mặt đất và mặt nước tỉnh Đắk Lắk quy mô công suất 120.564MW, tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ tỉnh Đắk Lắk quy mô công suất 26.921MW.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề xuất đưa vào quy hoạch nguồn điện gió phát triển tăng thêm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 công suất 490MW; giai đoạn 2026 - 2030 công suất 448MW. Như vậy, cả giai đoạn 2021 - 2030 (10 năm), tổng công suất đề xuất vào Quy hoạch điện VIII là 938MW, chưa đạt 4% so với tiềm năng điện gió của tỉnh Đắk Lắk.

Tỉnh Đắk Lắk đề xuất bổ sung thêm công suất điện gió của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 4 đường dây 500kV và 1 trạm biến áp 500kV điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp được đưa vào vận hành tháng 12/2020; 4 đường dây 220kV truyền tải chủ đạo cho khu vực Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông. 

Thời gian tới (2021 - 2025), Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung triển khai đầu tư phát triển lưới điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk gồm: 2 đường dây 500kV (Krông Búk - Tây Ninh 1, tuabin khí miền Trung - Krông Búk); 1 trạm biến áp 500kV Krông Búk (Cư M’gar) công suất 03x900MVA; 2 đường dây 220KV (Krông Buk - Nha Trang (mạch 2), Krông Búk - Pleiku 2). Bên cạnh đó, dự kiến đến tháng 10/2021, trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối của dự án điện gió Ea Nam được đưa vào vận hành. Đây là điều kiện rất thuận lợi để gom các nguồn điện gió tại khu vực, đấu nối phát triển thêm với quy mô công suất 4.000MW vào hệ thống điện quốc gia.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, quý I/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đạt 10.185,96 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI thuộc lĩnh vực điện gió, có tổng vốn đăng ký đạt 10.088 tỷ đồng.

Ngân Hà