Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 27/2021

Thứ hai, 19/7/2021 | 10:28 GMT+7
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4% trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

6 tháng đầu năm 2021: Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 11,4%

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiều khó khăn: dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng cao do các tỉnh miền Bắc, miền Trung trải qua giai đoạn thời tiết nắng nóng rất khắc nghiệt khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C trong khi mực nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp vào cuối mùa khô, nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện... Mặc dù vậy, EVN và các đơn vị đã có nhiều cố gắng nỗ lực đảm bảo cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân.

Trong tháng 6/2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 23,9 tỷ kWh, tăng 8,6% so với tháng 6/2020. Sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 796,7 triệu kWh/ngày, trong đó sản lượng ngày lớn nhất đạt 880,3 triệu kWh (ngày 1/6), công suất phụ tải lớn nhất đạt 42.146 MW (ngày 21/6).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tỷ trọng sản lượng huy động của một số loại hình nguồn điện chính trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau: 

Thủy điện huy động đạt 30,46 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 23,7%.

Nhiệt điện than huy động đạt 66,67 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 51,9%.

Tua bin khí huy động đạt 15,66 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 12,2%.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%.

Điện nhập khẩu đạt 624 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 0,5%.

Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Năng lượng tái tạo huy động đạt 14,69 tỷ kWh trong nửa đầu năm nay

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong 6 tháng ước đạt 111,75 tỷ kWh, tăng 8,36% so cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng điện truyền tải tháng 6/2021 đạt 18,37 tỷ kWh, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng Trung - Bắc và Trung - Nam. Lũy kế 6 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 102,1 tỷ kWh, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước.

Phân luồng tiếp nhận rác chuyển về Nhà máy điện rác Sóc Sơn

Để chuẩn bị cho công tác vận hành Nhà máy điện rác Sóc Sơn (tại khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) đã xây dựng kế hoạch phân luồng tiếp nhận rác được chuyển về nhà máy trong năm 2021.

Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hiện nay Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (chủ đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn) đang trong quá trình hoàn thiện công tác căn chỉnh hệ thống tiếp nhận rác, đo lường, phát điện của nhà máy, dự kiến tiếp nhận rác từ ngày 1/8/2021.

Để phục vụ cho công tác tiếp nhận rác, từ ngày 1 - 13/7, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và chủ đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn phối hợp tổ chức tập huấn công tác tiếp nhận rác theo quy trình mới của nhà máy cho các lãnh đạo, cán bộ điều động, lái xe, phụ xe chở rác của 17 đơn vị thu gom, vận chuyển rác được phân luồng về khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Căn cứ kế hoạch tiếp nhận rác của chủ đầu tư, để việc tiếp nhận rác tại nhà máy được thuận lợi, thông suốt, Ban đã lên kế hoạch phân luồng rác thải tại 17 quận, huyện chuyển về. Trong đó, thống nhất rõ khối lượng, thời gian tiếp nhận rác của chủ đầu tư nhà máy với các đơn vị vận chuyển, bắt đầu lần lượt theo tiến độ thời gian cụ thể.

Lên kế hoạch phân luồng tiếp nhận rác chuyển về Nhà máy điện rác Sóc Sơn. (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch, tháng 8/2021, nhà máy tiếp nhận 525 tấn rác. Trong đó, ngày 1/8, tiếp nhận 230 tấn từ quận Hoàn Kiếm; ngày 11/8 tiếp nhận 125 tấn từ huyện Mê Linh và ngày 21/8 tiếp nhận 170 tấn từ huyện Sóc Sơn.

Tháng 9/2021, nhà máy tiếp nhận 525 tấn rác. Trong đó, ngày 11/9 tiếp nhận 210 tấn từ huyện Thanh Trì; ngày 20/9 tiếp nhận 315 tấn từ quận Ba Đình.

Tháng 10/2021, nhà máy tiếp nhận 1.499 tấn rác từ 4 quận: Hai Bà Trưng (400 tấn), Đống Đa (400 tấn), Cầu Giấy (334 tấn), Nam Từ Liêm (365 tấn); việc tiếp nhận được thực hiện trong ngày 1/10.

Tháng 11/2021, nhà máy tiếp nhận 1.972 tấn từ 6 quận, huyện. Trong đó, ngày 1/11 tiếp nhận 250 tấn từ huyện Gia Lâm và 260 tấn từ huyện Đông Anh; ngày 13/11 tiếp nhận 373 tấn từ quận Long Biên, 223 tấn từ quận Tây Hồ và 426 tấn từ quận Hoàng Mai.

Tháng 12/2021, nhà máy tiếp nhận 479 tấn, từ 2 quận Hà Đông (148 tấn), Bắc Từ Liêm (331 tấn) trong ngày 1/12.

Trường hợp nhà máy đốt rác phát điện thay đổi kế hoạch tiếp nhận rác, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ chủ động điều chỉnh, đồng thời thông báo tới các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn TP để thực hiện cho phù hợp.

Hoàn thành công trình trạm biến áp 220 kV Mường La và đấu nối

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện xung kích thành công, đưa vào vận hành máy biến áp AT2 (220/110/22 kV - 125 MVA) cùng các thiết bị liên quan thuộc công trình trạm biến áp (TBA) 220 kV Mường La và đấu nối (giai đoạn 2).

Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB thay mặt EVNNPT quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận, quản lý vận hành sau khi hoàn thành.

Việc đóng điện máy biến áp AT2 của dự án đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ công trình. Trước đó, ngày 26/1/2021, máy biến áp AT1 (220/110/22 kV - 125 MVA) được đóng điện thành công.

Trạm biến áp 220 kV Mường La

Dự án có quy mô xây dựng và lắp đặt mới 2 máy biến áp 220/110/22 kV - 125 MVA. Sơ đồ nối điện chính phía 220 kV được thiết kế, xây dựng theo sơ đồ tứ giác có dự phòng khả năng phát triển thành sơ đồ hai thanh cái có thanh cái vòng gồm 2 ngăn đường dây, 2 ngăn máy biến áp. Sơ đồ nối điện chính phía 110 kV được thiết kế theo sơ đồ hệ thống thanh cái có thanh cái vòng, gồm 10 ngăn lộ trong đó có 5 ngăn đường dây, 1 ngăn lộ kháng, 4 ngăn dự phòng. Nhánh rẽ 220 kV gồm 3 vị trí, đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220 kV TBA 500 kV Sơn La – TBA 220 kV Sơn La.

Công trình sau khi hoàn thành đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phụ tải khu vực tỉnh Sơn La, thu gom nguồn công suất của các thủy điện nhỏ khu vực tỉnh Sơn La và khu vực lân cận để chuyển tải lên hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, công trình giúp giảm tải cho TBA 220 kV Sơn La, tăng cường liên kết hệ thống, nâng cao độ an toàn, tin cậy, chất lượng điện năng cho lưới điện khu vực; hạn chế tổn thất công suất trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh chung cho toàn EVN.

Ngân Hà