Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 38/2020

Thứ hai, 28/9/2020 | 09:15 GMT+7
Bộ Công Thương mới đây có công văn số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).

Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà 

Công văn của Bộ Công Thương có nêu, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13). Căn cứ các quy định của Quyết định 13, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 18), trong đó có các quy định về phát triển ĐMTMN. Để bảo đảm việc phát triển ĐMTMN theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy định tại Quyết dịnh 13, Thông tư 18, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể như sau:

Về hệ thống ĐMTMN: định nghĩa hệ thống ĐMTMN tại khoản 5 Điều 3 Quyết định 13; hệ thống ĐMTMN phải được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng có công năng độc lập. Trong đó: công trình xây dựng được quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014. Công trình xây dựng (bao gồm xây mới, cải tạo, sữa chữa) được đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, đất đai...; mái nhà của công trình xây dựng là mái của nhà, mái của kết cấu dạng nhà theo quy định tại Phụ lục 2 Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng. Mái nhà của công trình xây dựng cần phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng.

Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn phát triển ĐMTMN

Bộ Công Thương cũng hướng dẫn một số trường hợp cụ thể. Hệ thống ĐMTMN trên mái nhà của công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác: trên cơ sở quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 02), chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt... có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Việc đảm bảo trang trại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thuộc thẩm quyền của địa phương. Để phù hợp với quy định tại Quyết định 13, công trình xây dựng trang trại phải có mái. Mái nhà của trang trại chăn nuôi, trồng trọt... cần phù hợp với công năng, loại hình trang trại. 

Về trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN có tổng công suất trên 01 MW (mỗi hệ thống có công suất không quá 01 MW) trên 01 địa điểm (trên cùng một mảnh đất hoặc mái nhà khu công nghiệp) được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp, của một hoặc nhiều nhà đầu tư; trường hợp một chủ đầu tư mua lại nhiều hệ thống ĐMTMN nằm liền kề nhau, có tổng công suất trên 01 MW: theo quy định tại Quyết định 13 và Thông tư 18, trường hợp này, mỗi hệ thống ĐMTMN được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Tổ chức, cá nhân mua lại được kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong hợp đồng mua bán điện mà các chủ đầu tư trước đã ký nhưng phải thực hiện thủ tục chuyển chủ thể hợp đồng và không được gộp các hợp đồng mua bán điện hệ thống ĐMTMN thành một hợp đồng.

Về trường hợp chủ đầu tư tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên, nhà xưởng, nhà kho chứa vật liệu, trong khuôn viên dự án điện mặt trời, nhà máy thủy điện, nhiệt điện để đầu tư điện mặt trời mái nhà và đề nghị lắp công tơ riêng, ký hợp đồng mua bán điện cho hệ thống ĐMTMN: trường hợp này, EVN được thực hiện ký hợp đồng mua bán điện nếu thấy phù hợp với quy định về hệ thống ĐMTMN tại Quyết định 13 và Thông tư 18.

Đến đầu tháng 9/2020, cả nước có tổng cộng gần 50.000 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất gần 1.200MWp được lắp đặt và đưa vào vận hành

Trường hợp điện mặt trời có công suất không quá 01 MW và không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng có công năng độc lập; trường hợp hệ thống điện mặt trời của trang trại chăn nuôi, trồng trọt... với công suất trên 01 MW hoặc trên 1,25 MWp; trường hợp hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp trên 35kV: các trường hợp này không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống ĐMTMN theo quy định tại Quyết định 13.

Các kiến nghị ưu đãi đối với trường hợp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà có công suất lớn hơn 01 MW; đầm nuôi trồng thủy hải sản, trang trại trồng trọt, chăn nuôi... có nhu cầu sử dụng chính tấm quang điện làm mái, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để có cơ chế phù hợp với tình hình thực tiễn, áp dụng sau năm 2020.

Tại công văn, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN: căn cứ quy định của pháp luật và một số nội dung nêu trên, hướng dẫn các đơn vị điện lực thực hiện đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện hệ thống ĐMTMN theo đúng quy định tại Quyết định 13 và Thông tư 18; chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống ĐMTMN được đấu nối phù hợp với quy định, không gây quá tải lên hệ thống lưới điện hạ áp, trung áp và cao áp hiện hữu (đặc biệt là hệ thống lưới điện 110 kV). EVN cũng cần yêu cầu chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN có bản cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng. Đối với hệ thống ĐMTMN của công trình trang trại, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại (theo mẫu tại Phụ lục III, Thông tư số 02) trong hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện. Gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để kiến nghị về các vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh, quản lý thuế, hóa đơn của các đối tượng có hệ thống ĐMTMN. Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn để quản lý việc phát triển hệ thống ĐMTMN theo đúng Quyết định 13, Thông tư 18 và các quy định khác của pháp luật.

Đề xuất lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam 

Ngày 22/9, Cục Năng lượng Đan Mạch cùng Ngân hàng Thế giới trình bày nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị về lộ trình phát triển ngành điện gió ngoài khơi với Chính phủ Việt Nam. 

Các nghiên cứu và khuyến nghị này được đưa ra tại hội nghị quốc tế hai ngày diễn ra khi Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 8 phác họa lộ trình phát triển ngành điện Việt Nam 10 năm tới và định hướng đến năm 2045 đang ở giai đoạn hoàn thiện. 

Hội nghị được tổ chức trực tiếp ở Hà Nội và trực tuyến giữa Hà Nội, Copenhagen (Đan Mạch) và một số điểm cầu khác trên thế giới và đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà hoạch định chính sách, quản lý ngành của Việt Nam ở cấp trung ương cũng như cấp tỉnh, các chuyên gia trong nước, quốc tế, các chuỗi cung ứng và khu vực tư nhân trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. 

Với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5 - 100 km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, thu hút đầu tư. Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng khuyến nghị rằng, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.

Tại hội nghị này, những nghiên cứu trong nhiều khía cạnh khác nhau như đánh giá tiềm năng, đánh giá về khả năng truyền tải, năng lực chuỗi cung ứng nội địa, những cơ hội, thách thức trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, những kinh nghiệm về chính sách, hệ thống quản lý ngành từ các nước có ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi phát triển... cũng như khuyến nghị liên quan đến lộ trình phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi được các chuyên gia trình bày, thảo luận để tiếp tục hoàn thiện báo cáo và đệ trình lên Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Kết quả của hội nghị sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc hình thành các mục tiêu chính sách trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 8 của Việt Nam, cơ sở chính sách quan trọng nhất để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam cho giai đoạn 10 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi

Tại hội nghị, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu: “Chính phủ Việt Nam luôn cam kết phát triển ngành năng lượng bền vững và thời điểm này có ý nghĩa quan trọng với Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 8 đang được Bộ Công Thương xây dựng. Do đó, chúng tôi đánh giá cao những ý kiến tư vấn và khuyến nghị của Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới - những đối tác truyền thống của Việt Nam và đi trước chúng tôi rất nhiều về hiểu biết cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”. 

Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới đã trình bày những khuyến nghị chính sau trong báo cáo “Các nghiên cứu đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam”:

Mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần là điều kiện tiên quyết để chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ đó thu hút đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ.

Khung pháp lý phù hợp và hợp đồng mua bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế là chìa khóa để bù lại những rủi ro thị trường mới và giúp mở cửa cho đầu tư vốn ở mức cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi chín muồi ở Việt Nam.

Chỉ định một cơ quan của chính phủ làm đầu mối duy nhất và đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án điện gió ngoài khơi nhằm đảm bảo các dự án hoàn thành đúng thời gian đã định. 

Cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.

Báo cáo “Các nghiện cứu đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam” tổng hợp những kết quả phân tích định lượng trên nhiều nguồn dữ liệu bao gồm việc lập bản đồ  xác định tiềm năng và lựa chọn địa điểm, tính toán giá điện quy dẫn (LCOE) và phân tích lưới truyền tải điện, cùng với những thông tin bổ sung liên quan đến quy định pháp luật, cấp phép, các cơ chế khuyến khích và những thành phần của chuỗi cung ứng từ đó đề xuất khuyến nghị cho phát triển ngành. 

“Khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch. Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn. Tất nhiên, Chính phủ Việt Nam là người đưa ra các quyết định cuối cùng cho tiến trình này nhưng Đan Mạch, với tư cách là đối tác lâu dài và gần gũi với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng luôn muốn chia sẻ với Việt Nam những  kiến thức, kinh nghiệm và bài học thành công thu được từ quá trình 30 năm phát triển điện gió ngoài khơi, như chúng tôi đã làm tại hội nghị này”, ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết. 

Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, Anton Beck cho biết thêm: “Tuabin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một tuabin 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam. Chúng tôi rất vui được chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về điện gió ngoài khơi với những đối tác Việt Nam gần gũi của chúng tôi. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng”.

Hội nghị cũng đề cập đến một loạt các vấn đề được quan tâm trong phát triển điện gió ngoài khơi từ góc nhìn của các nhà phát triển dự án đến chuỗi cung ứng và mối quan tâm của các nhà đầu tư. Các trao đổi thảo luận trong hội nghị đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tương lai của điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực NLTT

Theo đề nghị của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã vừa có buổi làm việc trực tuyến với ông Ken O’Flaherty, Đại sứ Vương quốc Anh tại COP26 (Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu).

Hai bên đã sơ bộ trao đổi về tiềm năng hợp tác để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT), cùng tham gia ứng phó toàn cầu đối với biến đổi khí hậu và định hướng chính sách năng lượng của hai nước trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Tại buổi trao đổi, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng sơ bộ thông tin về những định hướng chính trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoan 2021 - 2045 theo hướng chuyển dịch năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu. 

Thứ trưởng cũng thông báo việc ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Theo báo cáo này, dự báo tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2030 lên tới trên 927 triệu tấn CO2 tương đương và Việt Nam cam kết cắt giảm 9% tổng phát thải quốc gia bằng nguồn lực của quốc gia và lượng giảm phát thải có thể lên tới 25% vào năm 2030. 

Về hợp tác với Vương quốc Anh thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao Chương trình năng lượng phát thải thấp khu vực Đông Nam Á (Low carbon energy program - LCEP), nâng cấp và phát triển công cụ 2050 Calculator mô phỏng các kịch bản thực hiện NDCs lĩnh vực năng lượng do Chính phủ Anh hỗ trợ và hy vọng hai bên tiếp tục triển khai các dự án hợp tác hiệu quả trong thời gian tới.

Đại sứ COP26 Ken O’Flaherty cũng nhấn mạnh việc ưu tiên hợp tác với Việt Nam do Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển NLTT. Việt Nam có nhiều tiến bộ trong phát triển năng lượng mặt trời nhưng chưa phát triển nhiều về lĩnh vực điện gió. Do vậy, Vương quốc Anh mong muốn tìm hiểu thêm về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục nghiên cứu phương hướng phát triển hợp tác trong lĩnh vực NLTT, đặc biệt là lĩnh vực điện gió và Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ để các cơ quan và doanh nghiệp có liên quan của hai bên trao đổi khi cần thiết.

Ngân Hà