Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 43/2022

Thứ hai, 7/11/2022 | 08:30 GMT+7
Với chủ đề “Chung tay kiến tạo tương lai xanh hơn”, Thái tử kế vị và Công nương Đan Mạch dẫn đầu đoàn hơn 30 doanh nghiệp đến thăm Việt Nam trong các ngày 1 – 2/11. Đây là các công ty Đan Mạch có thế mạnh về công nghệ và các giải pháp công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Việt Nam và Đan Mạch chung tay kiến tạo tương lai xanh hơn

Trong khuôn khổ chuyến thăm, phiên khai mạc Diễn đàn thượng đỉnh Năng lượng bền vững giữa Việt Nam - Đan Mạch và việc ký kết 14 bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam diễn ra ngày 1/11 với sự chứng kiến của Thái tử kế vị và Công nương Đan Mạch cùng các đại diện cao cấp của Chính phủ Việt Nam.

Sau lễ khai mạc Diễn đàn thượng đỉnh Năng lượng bền vững Việt Nam - Đan Mạch là hai hội thảo: “Chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ của Đan Mạch trong việc xây dựng ngành công nghiệp gió ở Việt Nam” và “Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050”.

Gần 70% lượng khí thải nhà kính ở Việt Nam là từ sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Do vậy, các biện pháp và hành động cụ thể trong lĩnh vực năng lượng đóng vai trò mấu chốt trong quá trình chuyển đổi xanh nền kinh tế Việt Nam. 

Các doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam ký kết ghi nhớ hợp tác

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz chia sẻ: “Chuyến thăm Việt Nam của Thái tử kế vị và Công nương Đan Mạch có giá trị vô cùng to lớn - cả về mặt biểu tượng lẫn thực tiễn. Chuyến thăm này không những khẳng định tình hữu nghị và hợp tác mạnh mẽ giữa Đan Mạch và Việt Nam mà còn thúc đẩy các trao đổi cấp cao giữa hai nước về con đường hướng tới xây dựng một xã hội bền vững và xanh hơn.

Hai buổi hội thảo hôm nay: một hội thảo về điện gió ngoài khơi và một hội thảo về sử dụng năng lượng hiệu quả, do Thái tử kế vị và Công nương lần lượt chủ trì đã tạo ra một nền tảng quan trọng cho việc đẩy mạnh hơn nữa các đối thoại và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa những các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng của hai nước”.

Trong chuyến thăm này, Thái tử kế vị và Công nương Đan Mạch cũng đã đến thăm một số công ty Đan Mạch có cơ sở kinh doanh vững chắc và hợp tác lâu dài với Việt Nam.

Bắc Ninh hướng tới mục tiêu vận hành 4 nhà máy điện rác công nghệ cao

Thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án để đảm bảo mục tiêu đến năm 2024, vận hành toàn bộ 4 nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng.

Với mục tiêu vừa xử lý triệt để chất thải rắn vừa bổ sung nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang triển khai 4 dự án xây dựng nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện: Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài với tổng công suất khoảng 1.800 tấn/ngày, đêm. Các dự án này được đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ từ dây chuyền phân loại rác đầu vào kết hợp lò đốt tầng sôi tuần hoàn nhằm tận thu triệt để giá trị nhiên liệu và sản sinh ra điện năng. Khi các nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Mô hình một nhà máy xử lý rác phát điện khi hoàn thành tại Bắc Ninh

Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2024, vận hành toàn bộ 4 nhà máy, thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, quyết tâm hoàn thành tiến độ được giao.

Mới đây, tại buổi khảo sát Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng do Công ty CP Môi trường Ngôi Sao Xanh làm chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải tiếp tục khẳng định quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà máy đi vào hoạt động theo đúng tiến độ. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai các bước theo quy định, khẩn trương xây dựng kế hoạch vận chuyển rác thải đến nhà máy, tạo điều kiện cho các nhà máy có đủ lượng rác hoạt động. 

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xử lý, phân loại rác ngay tại nguồn, tạo điều kiện cho việc thu gom, vận chuyển đến nhà máy. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án tổng thể bảo vệ môi trường Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025 đề ra.

Cung cấp năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội

Theo Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành mới đây, một trong những yêu cầu về định hướng phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật của Chính phủ là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Phát triển hạ tầng năng lượng, chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch. Phát triển các nguồn điện gió, điện mặt trời, nhất là các nguồn có hệ thống lưu trữ năng lượng, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác; nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện truyền tải 500kV liên vùng đồng bộ với phát triển nguồn điện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Hướng tới nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp

Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Phát triển công nghiệp khí; nghiên cứu đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). 

Phát triển các trung tâm năng lượng gắn với các tổ hợp lọc hóa dầu, tận dụng hạ tầng đã đầu tư tại các cơ sở lọc, hóa dầu hiện có và đang xây dựng. Đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm; mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên.

Ngân Hà