Trong nước

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Tunisia

Thứ năm, 1/7/2021 | 15:32 GMT+7
Doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Tunisia có thể đẩy mạnh hợp tác để tạo thêm cơ hội tiếp cận nhiều thị trường đối tác, mở rộng giao thương quốc tế.

Ngày 30/6, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Thủ đô Tunis và Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu Tunisia (CEPEX) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Khai thác tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam – Tunisia 2021.

Sự kiện thuộc Chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khai thác các tiềm năng hợp tác thương mại với thị trường Tunisia tại khu vực châu Phi.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 80 doanh nghiệp đến từ hai nước Việt Nam và Tunisia, cùng một số doanh nghiệp từ Algeria, Senegal đang quan tâm hợp tác kinh doanh với Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, Việt Nam ngày nay đang dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với nhiều nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Tunisia chưa biết đến năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại.

Nhóm hàng công nghiệp chế tạo có nhiều tiềm năng trong chuỗi cung ứng với thị trường Tunisia và châu Phi

Đồng tình với quan điểm của ông Lê Hoàng Tài, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Thủ đô Tunis Najeh Ben Abdessalem cũng cho rằng, thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn. Đồng thời khẳng định, Việt Nam và Tunisia còn nhiều tiềm năng hợp tác.

Theo ông Ghazi Yacoub, Giám đốc Tiếp cận thị trường, CEPEX, thương mại của Tunisia với thế giới tăng hàng năm, trong đó kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng bình quân 4,75%/năm. Doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua Tunisia để tiếp cận thị trường các nước mà Tunisia có hiệp định thương mại tự do như thị trường chung Đông và Nam Phi - COMESA (gần 700 triệu người tiêu dùng). Ngược lại, các doanh nghiệp Tunisia cũng có thể tận dụng Việt Nam như cửa ngõ để đưa hàng hóa sang thị trường các nước ASEAN.

Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai bên, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia Hoàng Đức Nhuận đề xuất, hai nước cần cải thiện khuôn khổ pháp lý như ký kết các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư; ký kết các biên bản ghi nhớ XTTM; xem xét thành lập Hội đồng kinh doanh giữa Việt Nam và Tunisia; kiện toàn và nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, các bộ, tổ chức XTTM cũng như Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam và Tunisia cũng cần tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng, cơ hội phát triển hợp tác kinh tế thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo, xuất bản bản tin hoặc sách song ngữ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Bên cạnh đó, cần tăng cường XTTM và đầu tư bằng cách tổ chức đoàn công tác, hội nghị, diễn đàn, hội chợ, triển lãm tại mỗi nước. Trao đổi danh sách những lĩnh vực tiềm năng trong việc hợp tác, danh sách công ty uy tín và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp… Các doanh nghiệp Việt Nam và Tunisia cũng cần quan tâm đến những tập quán, thói quen giao thương giữa hai nước để hợp tác thành công.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu với bên đối tác nhiều loại mặt hàng rau củ quả, các loại hạt, gia vị (quế, hồi...), thủy hải sản, đồ uống (cà phê, sữa...) phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng Tunisia nói riêng và châu Phi nói chung.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục XTTM cam kết, Cục luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Tunisia nói riêng và các doanh nghiệp châu Phi nói chung trong gắn kết giao thương cùng phát triển.

Mỹ Dung