Trong nước

Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Thứ sáu, 16/7/2021 | 12:31 GMT+7
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng như đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn của người dân, Bộ Công Thương đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2021, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Điều đó đã khẳng định vai trò của công tác bảo đảm ATTP của ngành công thương trong khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường, góp phần cung cấp giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành 03 văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý ATTP: Bắc Ninh, Đà Nẵng, TPHCM tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý ATTP.

Kết quả, các Kế hoạch của Ban chỉ đạo cho thấy việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được chính quyền các cấp 08 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nam Định và Thái Bình) tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn địa bàn được phân công quản lý, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, tại các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm năm 2021, trên địa bàn 08 tỉnh nêu trên không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong khâu chế biến và đóng gói bao bì thực phẩm

Mặt khác, trước những sự cố về mất an toàn thực phẩm đã xuất hiện ở một số địa bàn, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các hoạt động truy xuất, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn; cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ thông qua trao đổi điện thoại, email công vụ cho công chức Sở Công Thương/Ban Quản lý ATTP trong việc xác định nguyên nhân, hướng dẫn biện pháp khắc phục, tránh tái phạm. Theo đó, đến hết tháng 5, trên địa bàn cả nước không xuất hiện thêm ca ngộ độc thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống tốt dịch bệnh vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về ATTP với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất chất lượng ngành công thương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thống kê, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu và tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên hệ thống phần mềm Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ theo phạm vi chức năng được phân công.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai trên diện rộng quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP. Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, cơ quan quản lý nhà nước của ngành công thương địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong dịp Tết Trung thu, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần, đặc biệt chú trọng kiểm tra các kho hàng thực phẩm đông lạnh và trong lưu thông nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

Đặc biệt, chủ động xử lý các sự cố mất ATTP và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, phối hợp các nước trong kiểm tra tại nguồn; phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm trong bối cảnh Covid-19.

Phương An