Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành: Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống truyền tải điện là yêu cầu hàng đầu

Thứ bảy, 25/1/2020 | 09:00 GMT+7
Nhân dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đã dành thời gian chia sẻ với PV Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam về truyền thống vẻ vang của ngành điện 65 năm qua và định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

65 năm qua, ngành điện Việt Nam đã có nhiều thành tựu, đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo ông, yếu tố quan trọng nào để ngành điện có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, đạt được sự phát triển rực rỡ như ngày hôm nay?

Trong bề dày lịch sử 65 năm qua, theo tôi có 5 yếu tố quan trọng, giúp cho ngành điện vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành công.

Thứ nhất, ngành điện luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ. Văn kiện Đại hội III của Đảng, khi đề cập đến việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất giai đoạn 1961 - 1965 đã chỉ rõ: “Điện phải đi trước một bước”. Đây cũng là định hướng xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển ngành điện. Trong điều hành, Chính phủ cũng luôn chỉ đạo sát sao, đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp, đảm bảo các dự án điện được đưa vào vận hành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả, có đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành

Thứ hai, truyền thống chiến đấu anh dũng, lao động sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và công nhân lao động ngành điện đã hun đúc nên bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Thứ ba, ngành điện là một trong những ngành được quy hoạch từ sớm và thực hiện đúng quy hoạch đề ra. Đến nay, đã có 7 quy hoạch điện quốc gia gắn với các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đang tiến hành xây dựng Quy hoạch điệnVIII. Các quy hoạch điện chính là cơ sở xây dựng các dự án nguồn và lưới điện. Vì điện là loại hàng hóa đặc thù, sản xuất và tiêu thụ xảy ra đồng thời, không có dự trữ nên phải có quy hoạch để cân đối cung cầu và thực hiện theo tiến độ phù hợp.

Thứ tư, ngành điện kịp thời tiếp cận với trình độ tiên tiến thế giới cả về khoa học công nghệ và khoa học quản lý. Điển hình như tiếp nhận công nghệ tuabin khí là công nghệ phát điện tiên tiến, xây dựng đường dây và các TBA 500kV, là tiền đề áp dụng khoa học công nghệ mới vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng nhà máy nhiệt điện than công nghệ cao. Đồng thời với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn mạnh, công tác điều độ hệ thống điện cũng được hiện đại hóa, trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA/EMS), nhờ đó, điều độ viên có thể bao quát, giám sát được tình trạng hoạt động của toàn bộ hệ thống điện từ các trung tâm điều khiển.

Thứ năm, ngành điện luôn nhận được sự ủng hộ từ các đối tác trong và ngoài nước trong thu xếp vốn, đầu tư - xây dựng, sản xuất - kinh doanh... Nhờ đó mà ngành điện đã vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng hệ thống điện quy mô lớn, hiện đại. Nhờ mở rộng hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, cán bộ công nhân ngành điện đã từng bước được tiếp cận và làm chủ được thiết bị, khoa học công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

So với các giai đoạn trước đây, nhiệm vụ của EVN hiện nay có gì khác, thưa ông?

Nhiệm vụ xuyên suốt của ngành điện nói chung, EVN nói riêng, luôn là, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn khác nhau, nhiệm vụ này lại có những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau. Hiện nay, cùng với sự phát triển và đi lên của đất nước, yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội, mục tiêu đặt ra cho ngành điện sẽ ngày càng nhiều, trọng trách ngày càng nặng nề hơn.

Đó không chỉ là nhiệm vụ đưa điện đến 100% thôn bản, đảm bảo cho 100% người dân nông thôn được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia an toàn, ổn định, mà còn là trọng trách không ngừng nâng cao chất lượng điện năng và các dịch vụ khách hàng. Đó không chỉ là xây dựng, vận hành an toàn các trung tâm điện lực lớn, các dạng năng lượng mới như mặt trời, gió, điện sinh khối… mà còn là phải từng bước xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, tiên tiến, tiếp tục giảm tổn thất điện năng và sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Trước mắt, EVN phải thực hiện tái cơ cấu thành công, vận hành thị trường điện hiệu quả, triển khai Quy hoạch điện VIII theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

EVN sẽ thực hiện những giải pháp gì để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn tới đây, thưa ông?

Với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/năm (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000MW, đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 130.000MW. Trong bối cảnh đó, EVN sẽ chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ trong thực hiện xây dựng Quy hoạch điện VIII; xác định lại cơ cấu nguồn điện, hệ thống truyền tải trong từng giai đoạn, khu vực, vùng miền; vận hành an toàn hệ thống điện; giảm tổn thất điện năng… Cùng với đó, để bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN xác định cần có sự bứt phá về đầu tư phát triển nguồn điện trong đó đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống truyền tải điện là yêu cầu hàng đầu.

Trong công tác vận hành, việc bảo đảm nguồn nhiên liệu cho phát điện như than, khí… có ý nghĩa rất quan trọng. Các nhà máy điện, nhất là nhiệt điện than phải đảm bảo vận hành liên tục, ổn định, siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố lớn. Tập đoàn cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc tiết kiệm điện; thực hiện giải pháp điều chỉnh phụ tải, đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động, thời gian tới EVN sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai các đề án thiết thực, ứng dụng các công nghệ mới... Hiện tại, Tập đoàn cũng đang thực hiện đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”, giao cho các đơn vị thực hiện 36 đề án, dự án thành phần với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, hướng tới xây dựng một tập đoàn kinh tế “phục vụ” theo đúng nghĩa.

Xin ông chia sẻ thông điệp mang giá trị cốt lõi của ngành điện?

Tôi luôn nghĩ rằng, giá trị cốt lõi và thiêng liêng nhất mà các thế hệ những người làm điện Việt Nam đã tạo nên, đó chính là sức mạnh nội lực, tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, ý chí và bản lĩnh vượt khó. Nhớ lại cách đây đúng 65 năm, ngày 21/12/1954, khi Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ, Bác cũng căn dặn: “Tất cả cán bộ và công nhân cần phải đoàn kết chặt chẽ, hăng hái thi đua, tăng năng suất và tiết kiệm, để xứng đáng là người chủ của nhà máy”.

Vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn luôn mong muốn, các thế hệ cán bộ công nhân viên người lao động EVN ngày hôm nay và mai sau luôn đoàn kết một lòng, chung sức thi đua lao động sản xuất, góp phần đưa dòng điện thắp sáng mọi miền Tổ quốc, luôn “Thắp sáng niềm tin” trong Đảng, trong nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Hương