Cuộc sống xanh

Để Đà Lạt mãi xanh

Thứ sáu, 26/5/2023 | 17:03 GMT+7
Như Năng lượng Sạch Việt Nam đã thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ ký Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, ngày 26/5, chủ đề “Để Đà Lạt mãi xanh” do báo Tuổi trẻ khởi xướng và chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia…sôi nổi tọa đàm đem lại nhiều ý nghĩa đối với việc lập đồ án, nhà quản trị, doanh nghiệp...

Quy hoạch Đà Lạt mới là sự đột phá   

Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có kết luận thống nhất phương án thực hiện sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt, hình thành một đơn vị hành chính mới ngay trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2025. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng đồ án. Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Quang Sơn-Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng đã cung cấp khái quát về quy hoạch và những định hướng phát triển thành phố Đà Lạt mới. Ông Sơn cho rằng, sự định hướng này đang đặt ra bài toán cho tỉnh Lâm Đồng. “Không gian đô thị thành phố Đà Lạt mới mở rộng phạm vi và vùng phụ cận theo hướng đột phá và chuyển dần các khu nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với các hoạt động về du lịch, dịch vụ và một số chức năng đô thị có giá trị sử dụng thấp có hiệu quả cao hơn. Dịch vụ du lịch và nông nghiệp sẽ gắn bó chặt chẽ, hài hòa về định hướng và giải pháp, giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, cảnh quan, sông, suối, hồ và di sản kiến trúc trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, ngập úng; đồng thời phát triển đồng bộ hạ tầng theo hướng xanh, thông minh và bền vững”, ông Bùi Văn Sơn cho biết.

Đà Lạt mới cần phát triển theo hướng tăng trưởng xanh 

Thành phố Đà Lạt mới sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào có diện tích gấp 4 lần Đà Lạt hiện hữu, và cùng nằm trên bình độ cao nguyên Lâm Viên. Nếu Đà Lạt hiện hữu có di sản kiến trúc quy mô và chất lượng bậc nhất ở Việt Nam thì huyện Lạc Dương có tài nguyên rừng là “di sản thiên nhiên thế giới”. Vì vậy, định hướng phát triển thành phố Đà Lạt mới đã bổ sung 2 nội dung là đô thị di sản quốc gia và trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch từ cấp vùng lên cấp quốc gia. Trong đó, định hướng phát triển du lịch Lâm Đồng theo hướng “một điểm đến thiên nhiên”, đô thị di sản kiến trúc quốc gia và thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO…      

Phát triển “Đà Lạt xanh” với nội hàm rộng

Tăng trưởng xanh là xu hướng phát triển của kiến trúc mới. KTS Trương Nam Thuận, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, “Xanh để phát triển bền vững là tích hợp những yếu tố môi trường, bảo vệ thiên nhiên và quá trình phát triển kinh tế, xã hội nhằm tạo ra một môi trường sống và làm việc bền vững cho con người và các hệ sinh thái”. Theo ông, trước hết phát huy những nội lực mà Đà Lạt đang có như: xanh hóa trong sản xuất và xanh hóa trong lối sống. Và sẽ có 3 khía cạnh: tính an toàn, tính tiện ích, tính văn hóa. KTS Thuận cũng khẳng định, hiện nay hầu hết các đồ án quy hoạch chung đang quá chú trọng về những dự án kinh tế-xã hội nhưng chưa nghiên cứu sâu tích hợp và văn hóa và phát triển cho nên khi triển khai các đồ án đều na ná như nhau. Đà Lạt cần gắn du lịch với kinh tế tuần hoàn, không chỉ là nông nghiệp tuần hoàn mà là nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo ông có 3 chiến lược quy hoạch mở rộng Đà Lạt: phát triển xanh bền vững trong đó yếu tố văn hóa làm cốt lõi; phát triển mô hình du lịch đô thị kết nối vùng; tích hợp các chức năng giáo dục, nghiên cứu khoa học…trong đó yếu tố con người giữ vai trò trung tâm.

KTS Trần Đức Lộc: Không nên hiểu Đà Lạt bó hẹp trong nghĩa hành chánh   

Cũng theo hướng phát huy văn hóa nội lực đã có, đặc biệt “văn hóa rừng”, trong đó văn hóa cư dân bản địa, chủ doanh nghiệp du lịch Làng Cù Lần, nhạc sĩ Văn Tuấn Anh nhấn mạnh những di sản người Pháp để lại đều gắn với văn hóa bản địa, trong đó kiến trúc là nét nổi bật. Du lịch Đà Lạt rất cần phát triển gắn hài hòa không gian văn hóa bản địa, văn hóa ứng xử, văn hóa của thiên nhiên cảnh quan,….“Tôi tin rằng, việc tạo ra những chuỗi du lịch màu xanh, nền nông nghiệp màu xanh, đô thị màu xanh để biến ước mơ Đà Lạt trở thành màu xanh mãi mãi, có thể ước mơ và rất có thể thực hiện được”, ông Văn Tuấn Anh bày tỏ.   

Làng Cù Lần tại huyện Lạc Dương thu hút du khách bởi những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa

Để phát triển Đà Lạt mới như mong muốn, theo KTS Trần Đức Lộc, trước hết, cần xác định chủ thể chủ yếu của Đà Lạt gồm: Nhà nước (đặt hàng, bà đỡ); doanh nghiệp (đầu tư); nhân dân (cùng làm); du khách (người mua dịch vụ và tiện tích). Chỉ khi 4 chủ thể cùng đồng lòng phát huy thế mạnh của mình thì mới xây dựng Đà Lạt phát triển bền vững. Ông Lộc nhấn mạnh, đã đến lúc cần hiểu khái niệm Đà Lạt không chỉ bó hẹp trong nghĩa hành chánh mà Đà Lạt trong sự phát triển của các vùng phụ cận, nguồn cung cầu của Đà Lạt trung tâm, như người Pháp đã thực hiện trước đây. Đó là liên kết vùng: giao thông, bang giao kinh tế, đón du khách. “Quy hoạch Đà Lạt không chỉ cho Đà Lạt mà phải cho du khách”, Đà Lạt trở thành những trung tâm quốc gia và đẳng cấp quốc tế thì cần hướng phát triển đáp ứng được những yêu cầu đó. Đà Lạt xanh không phải là “màu xanh” (green) mà là tăng trưởng xanh….Vì vậy cần các yếu tố như luật, chính sách, “đô thị đặc thù” đúng nghĩa, cơ chế, thẩm quyền, sự minh bạch, triết lý và nghệ thuật quản trị đô thị…Rất cần nhận diện đúng bản chất sự phát triển như vậy, KTS Trần Đức Lộc trao đổi…

 

Minh Đạo