Nghiên cứu - Trao đổi

Giá mua điện mặt trời: Nên giảm từ từ để nhà đầu tư thích ứng 

Thứ tư, 17/3/2021 | 09:55 GMT+7
Giá mua điện mặt trời áp mái giảm sâu 30% như đề xuất của Bộ Công thương sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo dần thay thế năng lượng truyền thống. TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) cho rằng, giá mua cần giảm từ từ để nhà đầu tư kịp thích ứng, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người mua và người bán.

Hài hòa lợi ích các bên

- Liên quan đến dự thảo cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái giảm từ 8,38 cent/kWh xuống 5,2 - 5,8 cent/kWh mà Bộ Công thương đang đề xuất, quan điểm của ông như thế nào?

- Nước ta rất có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có năng lượng mặt trời do Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nắng gió nhiều, cường độ nắng nhiều và bức xạ đạt mức cao.

Để khuyến khích điện năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có điện mặt trời áp mái, Chính phủ đã 2 lần đưa ra giá điện hấp dẫn. Lần đầu với giá 9,35 cent/kWh. Lần thứ hai áp dụng cho điện mặt trời áp mái là 8,38 cent/kWh. Đây vẫn là mức giá hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, dẫn tới đầu tư ồ ạt. Hiện cả nước đã phát triển hơn 20.000MW điện năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có khoảng 19.000MW là điện mặt trời, đóng góp lớn vào tổng sản lượng điện để phục vụ phát triển kinh tế và đời sống người dân. Mặt khác còn góp phần vào mục tiêu giảm hiệu ứng nhà kính để bảo vệ môi trường như đã cam kết với thế giới. 

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khá mới, phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời phải phù hợp có tỷ lệ nhất định trong cơ cấu nguồn điện. Nếu để phát triển quá nóng sẽ ảnh hưởng không tốt đến công tác điều độ hệ thống điện và xảy ra hiện tượng nghẽn lưới cục bộ như ở Ninh Thuận, Bình Thuận… thời gian qua. Vì vậy, lần này vấn đề xây dựng giá cần phải tính toán dựa trên cơ sở khoa học.

- Cụ thể, tính toán giá phải dựa trên cơ sở nào thưa ông?

- Chẳng hạn như suất đầu tư, nguyên liệu, thiết bị để sản xuất ra 1kWh điện là bao nhiêu? Vốn đầu tư là bao nhiêu?... Khi tính toán giá phải hết sức khoa học để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người mua điện. Nhà đầu tư làm điện mặt trời phải có lãi, nếu giá quá thấp họ không đầu tư nữa, khi đó sản lượng điện sẽ giảm, dẫn tới mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo để dần dần thay thế năng lượng truyền thống bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu giá cao bất hợp lý sẽ gây khó khăn cho công tác cân bằng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Mức giá 6 - 6,5 cent/kWh sẽ hợp lý hơn  

- Vậy theo ông mức giá như thế nào là phù hợp?

- Vừa qua, Bộ Công thương đề xuất giá mua giảm 30% so với mức cũ. Có thể Bộ sử dụng tư vấn nước ngoài nghiên cứu, tính toán để đưa ra con số này. Tuy nhiên tôi cho rằng, giảm mạnh ngay một lúc như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư. Thay vào đó, nên giảm giá từ từ để nhà đầu tư kịp thích ứng.

Theo tôi, phát triển điện mặt trời áp mái cần được khuyến khích, vì thế giá cả cần được tính toán kỹ, xây dựng trên cơ sở khoa học, đồng thời kết hợp tư duy nhận thức các mặt xã hội như lợi ích về môi trường. Cụ thể, chỉ nên giảm 20%, tương ứng là mức giá 6 - 6,5 cent/kWh sẽ hợp lý hơn.  

Nguồn: ITN

- Mức giá ông đề xuất liệu đã hài hòa lợi ích giữa các bên hay chưa?

- Nhà đầu tư chắc chắn mong giá thật cao để sớm thu hồi vốn, nhưng nhà quản lý cần nghĩ chung cho đất nước và phải hài hòa lợi ích giữa các bên. Do vậy, giá điện được quy định trong các giai đoạn khác nhau. 

Còn nhớ, đầu năm 2017, khi bắt đầu có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, tôi cũng là người tiên phong đầu tư ở lĩnh vực này. Lúc bấy giờ dù giá mua điện rất cao là 9,38 cent/kWh nhưng nhà đầu tư cũng không thể làm được vì suất đầu tư quá lớn. Giá thiết bị để đầu tư lúc bấy giờ rất đắt, mua tấm quang điện, thiết bị... suất đầu tư lên đến 1,2 triệu USD/MW. Nhưng chỉ trong vòng một năm sau, giá suất đầu tư giảm rất mạnh. Thiết bị được sản xuất đại trà nên giá thành giảm mạnh. Kể ra câu chuyện này để nói lên rằng, nhà quản lý phải thay đổi giá vì còn dựa theo vấn đề suất đầu tư từng giai đoạn.

- Chúng ta khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời nhưng đang vướng phải thách thức ở khâu truyền tải, dẫn đến nghịch lý là "thừa điện - cắt giảm công suất". Theo ông nguyên nhân do đâu, thời gian tới làm sao giải quyết được vấn đề này?

- Có thể nói, đây là lĩnh vực mới nên chúng ta thiếu kinh nghiệm trong công tác quy hoạch ban đầu. Ví dụ, muốn phát triển nguồn điện thì phải lường trước được lưới truyền tải tại khu vực đó như thế nào. Giống như mạng lưới giao thông, muốn tăng lưu lượng ô tô thì cần phải biết đường của mình có bảo đảm mật độ giao thông hay không. Nếu tính toán mật độ tham gia giao thông với diện tích đường hợp lý thì con đường sẽ thông suốt, còn nếu tăng phương tiện giao thông ồ ạt quá mức mà con đường chưa mở rộng được thì sẽ gây tắc. 

Vì vậy, thời gian tới, phát triển nguồn và phát triển lưới phải có sự tính toán đồng bộ, phải có tỷ lệ phù hợp trong cơ cấu các nguồn điện. Đây cũng chính là lý do phải điều chỉnh lại giá điện năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời áp mái làm sao cho phù hợp để tránh tình trạng phát triển quá nóng như thời gian vừa qua. 

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: daibieunhandan.vn