Cuộc sống xanh

Huế xây dựng thành phố xanh thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 5/11/2019 | 14:27 GMT+7
Viện Nghiên cứu Khoa học miền, Đại học Humboldt tại Berlin (Đức) vừa khởi động dự án nghiên cứu “Các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tăng tính chống chịu khí hậu đối với các khu vực đô thị ở miền Trung Việt Nam, lấy Huế làm thí điểm” (GreedCityLab Hue).

Dự án thành phố xanh sẽ thúc đẩy việc mở rộng, phát triển và duy trì các hạ tầng xanh hiện có tại Huế để cung cấp những lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội, bên cạnh việc nâng cao giá trị sinh thái. Từ đó, đem đến những tác động tích cực về sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Dự án sẽ giúp tìm kiếm giải pháp phát triển hạ tầng xanh, giúp những định hướng phát triển xanh, tăng trưởng xanh ở Huế có thêm dẫn liệu khoa học để thực hiện. Thêm vào đó, dự án sẽ tạo ra không gian học tập, chia sẻ thông tin và dữ liệu đến công chúng để nâng cao nhận thức của người dân về hạ tầng xanh, đưa người dân đến gần hơn với các quy hoạch hạ tầng xanh và đưa vị thế của người dân trở thành trung tâm của sự phát triển hạ tầng xanh tại Huế.

Dự án thành phố xanh sẽ giúp Huế phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Dự án có sự phối hợp giữa tiếp cận đa ngành giữa các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và hợp tác quốc tế để giúp chuyển tải các tiếp cận và ý tưởng về phát triển đô thị bền vững thành các lựa chọn cụ thể cho kế hoạch hành động và làm nên những thay đổi có thể thấy được (bằng các bản đồ, mô hình) cho các bên tham gia dự án và công chúng rộng lớn hơn. Điều này cho phép phát triển các kế hoạch hành động cụ thể và được chấp nhận rộng rãi bởi các bên tham gia để cải thiện điều kiện kinh tế- xã hội, tăng tính chống chịu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) đề cập đến quản lý bền vững và sử dụng thiên nhiên để đối phó với các thách thức về môi trường và xã hội, như: biến đổi khí hậu, đảo nhiệt đô thị, an ninh nguồn cấp nước, ô nhiễm nước và không khí, bảo vệ sức khỏe con người và quản lý rủi ro thiên tai. NBS bao gồm sự tăng cường và mở rộng của hạ tầng xanh là các diện tích công viên, vườn hoa, mặt nước hồ, sông và nước ngầm, cây xanh tại công sở và gia đình, mặt xanh trên các mái nhà.

Yêu cầu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng tính chống chịu trở thành chính yếu đối với chính sách đô thị. Trong đó, NBS trong quy hoạch đô thị ngày càng trở nên quan trọng. Các giải pháp phát triển đô thị dựa vào thiên nhiên sẽ trở thành phương tiện quy hoạch hạ tầng chính yếu để đem lại nhiều lợi ích cho đô thị.

Được biết, Dự án “Green City Lab Hue” lần này đóng vai trò là tiền đề, nguồn cơ sở dữ liệu và tạo không gian cố định để trao đổi và làm việc cho dự án nghiên cứu chính (giai đoạn 2021- 2025).

  •  
An Nhiên