Năng lượng tái tạo

NLTT đã tham gia vào hệ thống điện với công suất và sản lượng khá cao

Thứ sáu, 7/5/2021 | 09:38 GMT+7
Theo số liệu thống kê, thời gian qua, năng lượng tái tạo (NLTT) đã tham gia vào hệ thống điện với công suất và sản lượng khá cao so với các nguồn phát điện khác.

Tại buổi cung cấp thông tin về tình hình cung cấp điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, năm 2020, theo Quyết định phê duyệt của Bộ Công Thương (thời điểm chưa có COVID-19) thì nhu cầu điện của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng sản lượng điện sản xuất cả năm theo kế hoạch đạt 261 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu điện, EVN cũng dự tính sẽ chạy thêm khoảng 3,4 tỷ kWh điện dầu. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phụ tải tiêu thụ điện giảm thấp dẫn đến các nguồn điện được khai thác đều thấp hơn kế hoạch. Sản lượng điện thực tế chỉ đạt hơn 247 tỷ kWh, tăng trên 3%, giảm 14,350 tỷ kWh. Trong 4 tháng đầu năm 2021, điện sản xuất tăng trưởng 7,92%; điện thương phẩm tăng 6,74%.

Thống kê của EVN cho thấy, nếu như năm 2019 có khoảng 5.000MW điện mặt trời nối lưới thì đến năm 2020 đã có thêm gần 5.000MW điện mặt trời nối lưới và khoảng 7.000 - 8.000MW điện mặt trời mái nhà và trên 600MW điện gió được đưa vào vận hành. Theo kế hoạch, năm 2020 huy động hơn 10 tỷ kWh điện NLTT nhưng thực tế đã khai thác lên đến 12 tỷ kWh.

Cho đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 70.000MW. Trong đó, riêng điện mặt trời tính đến tháng 4/2021 đã đạt 18.783MW (9.583 MWđiện mặt trời áp mái và khoảng 9.200 MWđiện mặt trời trang trại). Và từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có thêm khoảng 4.000 - 5.000MW điện gió được đưa vào vận hành theo kế hoạch nhà đầu tư đã đăng ký. Dự kiến năm 2021, sản lượng điện huy động từ NLTT đạt khoảng 32 tỷ kWh. 

Huy động nguồn phát từ năng lượng tái tạo tăng trong thời gian qua

Các số liệu này cho thấy, NLTT đã tham gia vào hệ thống điện với công suất và sản lượng khá cao so với các nguồn phát điện khác. Việc này gây áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình vận hành của hệ thống điện quốc gia như gây ra tình trạng thừa nguồn, quá tải đường dây nội miền, đường dây liên kết 500kV; phụ tải chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm lớn. Hệ thống điện vận hành độc lập, thiếu dự phòng công suất; ảnh hưởng đến các yếu tố bắt buộc trong việc bảo đảm vận hành thị trường điện (bao tiêu các nhà máy BOT, các hợp đồng khí Nam Côn Sơn, Tây Nam Bộ…).

Điều này còn ảnh hưởng đến vận hành các nhà máy thủy điện lớn trong việc đảm bảo cấp nước cho hạ du, tưới tiêu, đặc biệt là đối với nhà máy thủy điện nhỏ huy động theo chi phí tránh được; ảnh hưởng đến vận hành các tổ máy nhiệt điện do đặc tính kỹ thuật của nhiệt điện trong vận hành chạy nền; phải duy trì một lượng tổ máy điện truyền thống để đảm bảo dự phòng quay, công suất lúc cao điểm, quán tính hệ thống và các yêu cầu quan trọng khác khi vận hành hệ thống (ổn định điện áp, qua tải lưới điện…); dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió khó khăn và sai số lớn do tính chất không ổn định của nguồn năng lượng này.

A0 cũng cho biết, dự kiến huy động nguồn mùa khô năm 2021, vào thời điểm 18g tăng gần 11.000 MW so với thời điểm lúc 12g nhưng vào thời điểm này, điện mặt trời lại bị mất đi hoàn toàn với tổng công suất 6.500 MW, trong khi đó, dải thay đổi công suất của nhiệt điện than và khí lại nhỏ (từ 20 - 30%).

Mặc dù có khó khăn nhưng EVN vẫn đảm bảo huy động các nguồn điện theo hướng ưu tiên NLTT, đảm bảo cấp điện toàn liên tục cho các phụ tải.

Từ thực tế vận hành, EVN đã xây dựng các giải pháp, báo cáo cơ quan chức năng trong đó đề nghị rà soát cập nhật, hiệu chỉnh các thông tư, quy trình để phù hợp với điều kiện vận hành hệ thống điện có tỷ trọng NLTT cao, đặc biệt với tỷ lệ thâm nhập lớn điện mặt trời mái nhà ở lưới phân phối, sớm ban hành cơ chế đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó khuyến khích tăng lượng công suất tự dùng cũng như đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật.

EVN cũng báo cáo Bộ Công Thương/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đấu giá/đấu thầu các dự án điện gió, mặt trời – bổ sung Quy hoạch theo kế hoạch thực hiện 3 - 5 năm với quy mô phù hợp tại từng thời điểm, từng khu vực trong tương lai, tránh tình trạng quá tải lưới điện và thừa nguồn. Đồng thời đề xuất về cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống pin tích trữ (BESS); cơ chế dịch vụ phụ trợ trong hệ thống điện để khuyến khích các đơn vị phát điện tham gia. Đề nghị sớm phê duyệt bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện cấp thiết phục vụ giải tỏa NLTT. Xem xét tổng thể về sự cần thiết của cơ chế chi phí tránh được và điều chỉnh lại phương pháp tính toán chi phí tránh được trong bối cảnh NLTT thâm nhập với tỷ lệ ngày càng cao.

Lan Anh