Sức khỏe

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị về vấn đề thực phẩm ở châu Á

Thứ sáu, 5/3/2021 | 16:56 GMT+7
Mới đây, ấn phẩm mới “Thực phẩm tốt, thành phố thông minh” của Ngân hàng Thế giới (WB) kết luận rằng, tại các thành phố châu Á, hệ thống lương thực, thực phẩm có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từ các hoạt động cốt lõi như tạo ra công ăn việc làm, kinh doanh, đến quản lý chất thải và tắc nghẽn giao thông…

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách tại các đô thị ở châu Á cần cân nhắc vấn đề lương thực thực phẩm trước khi đưa ra quyết định, để tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực giữa dân số khỏe mạnh, hành tinh khỏe mạnh và nền kinh tế lành mạnh.

Với sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), WB đã thực hiện một cuộc khảo sát về các chính sách lương thực đô thị tại 170 thành phố, thuộc 21 quốc gia châu Á. Kết quả cho thấy chỉ có 8% các thành phố trong số đó là “thông minh về thực phẩm”, tức là tiếp cận quản lý hệ thống lương thực, thực phẩm mang tính hướng tới tương lai, toàn diện và bao trùm. Gần 3/4 các thành phố đang ở giai đoạn bắt đầu xem xét quản lý lĩnh vực này một cách có hệ thống hoặc còn đang trong trạng thái thụ động giải quyết các vấn đề phát sinh.

Chợ thực phẩm tươi ở Luông Pha Băng (Lào)

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò thiết yếu của chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tại đô thị, cũng như khả năng dễ bị tổn thương của người dân thành thị trước tình trạng mất an ninh lương thực. Cụ thể, phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm sức mua của người dân, gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ngay cả khi dịch bệnh chưa diễn ra thì nhiều người dân đô thị, đặc biệt là người có thu nhập thấp, vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận thực phẩm an toàn, giá cả phải chăng và bổ dưỡng. Theo một khảo sát vào năm 2016 của FAO, khoảng 23% cư dân thành thị ở những nước châu Á mới nổi cho biết họ thấy thực phẩm không an toàn. Đi kèm với đó là tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính xảy ra phổ biến, hơn 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi ở các đô thị của Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Lào, Nepal và Pakistan bị thấp còi.

Vì vậy, việc chuyển từ cách tiếp cận ứng phó sang quản lý chủ động hơn hệ thống thực phẩm sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách đạt được những bước tiến mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng.

Đặc biệt, những rủi ro liên quan đến hệ thống lương thực đô thị và xu hướng nhu cầu đang thay đổi cần phải được quản lý cẩn trọng hơn, bao gồm rủi ro dịch bệnh, an toàn sinh học và suy thoái môi trường. Theo nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu” trên tạp chí Lancet năm 2017, tỷ lệ tử vong do rủi ro trong chế độ ăn uống ở Đông Á lên đến 30%, Đông Nam Á là 22% và 19% ở Nam Á.

Nhiều thành phố ở các quốc gia đang phát triển ở châu Á hiện đang là những “điểm nóng” về nguy cơ mất an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, rác thải thực phẩm và tích tụ rác thải nhựa. Sự mở rộng nhanh chóng của các thành phố gây xâm lấn hệ sinh thái tự nhiên và đất trồng trọt, làm tăng rủi ro đối với nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống.

Ấn phẩm cũng nêu rõ, nhà quản lý đô thị có vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của hệ thống lương thực, thực phẩm; đồng thời đưa ra một số khuyến nghị như: bảo vệ đất trồng trọt ven đô, phát triển các chuỗi cung ứng ngắn, góp phần tăng năng suất đô thị và khả năng phục hồi, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; đầu tư nâng cấp các chợ hiện đang cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống; khuyến khích một số sáng kiến và các đối tác về tránh thất thoát và lãng phí thực phẩm ở quy mô cộng đồng nhằm hỗ trợ sử dụng thực phẩm thứ cấp, phân xanh, hướng đến nền kinh tế sinh học; chú trọng các tiêu chuẩn về tiếp thị và mua sắm thực phẩm, có thể tạo ra các xu hướng ăn uống theo cách hỗ trợ nâng cao sức khỏe, gia tăng phúc lợi cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Bà Gayatri Acharya, chuyên gia kinh tế trưởng WB, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: Các nhà lãnh đạo thành phố chính là người thích hợp nhất để xây dựng các chính sách lương thực thích hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng cường khả năng phục hồi chung của thành phố. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ truyền cảm hứng để giúp họ tìm kiếm các giải pháp xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và lành mạnh, cải thiện phúc lợi cho người dân.

Thanh Bảo