Ngành điện số hóa hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng

Thứ hai, 16/12/2019 | 10:05 GMT+7
Thông qua việc sử dụng các nền tảng xác thực, định danh điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục, ngành điện tiếp tục quá trình đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ điện với định hướng “số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng” để “điện tử hóa các giao dịch với khách hàng hàng”.

Tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng vừa có buổi buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Cổng Dịch vụ công Quốc gia và chỉ số tiếp cận điện năng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận việc EVN đã nỗ lực đảm bảo điện cho phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ đời sống của của đất nước với tốc độ tăng trưởng điện năng ở mức hai con số trong các năm qua. Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao cải cách thủ tục hành chính của EVN, cũng như ghi nhận sự thay đổi tích cực trong trách nhiệm, thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ điện.

Đối với việc cung cấp 3 dịch vụ điện (cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thanh toán tiền điện) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận kết quả triển khai tích cực của EVN.

Theo lãnh đạo EVN, để triển khai cung cấp 3 dịch vụ điện trên Cổng DVCQG, EVN đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ, liên kết giữa Cổng DVCQG với Hệ thống cung cấp dịch vụ cấp điện mới qua lưới điện trung/hạ áp trực tuyến của EVN theo đúng yêu cầu, tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện của Cổng DVCQG với Cổng thanh toán tiền điện trực tuyến của EVN.

Đồng thời, Tập đoàn cải cách, đơn giản hóa thành phần hồ sơ cấp điện mới khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCGQ. Tập đoàn cũng đã chủ động truyền thông, quảng bá về việc cung cấp 3 dịch vụ điện trên Cổng DVCQG, hướng dẫn các khách hàng thực hiện giao dịch qua Cổng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc với EVN

Cổng DVCQG là kênh thông tin quan trọng để EVN có thể lắng nghe và thu thập ý kiến khách hàng, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng; công khai, minh bạch các dịch vụ điện. Cổng DVCQG cũng góp phần hỗ trợ EVN trong việc chuẩn hóa, thống nhất cung cấp dịch vụ điện trực tuyến; hỗ trợ triển khai cơ chế “một cửa liên thông” giữa ngành điện và cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, hỗ trợ EVN thông qua việc sử dụng các nền tảng xác thực, định danh điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục để Tập đoàn tiếp tục quá trình đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ điện với định hướng “số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng” để “điện tử hóa các giao dịch với khách hàng hàng”.

Tại buổi làm việc, EVN kiến nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo VNPT và các đơn vị của VPCP tạo điều kiện, hỗ trợ EVN sớm tích hợp, hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ điện trên Cổng DVCGQ trong năm 2020 theo lộ trình đã đề ra. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về xác thực, định danh để đảm bảo pháp lý cho các hồ sơ người dân, doanh nghiệp, tổ chức đã cung cấp lên Cổng DVCQG.

Để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (1 trong 10 chỉ số thành phần để đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam), EVN kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục sửa đổi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT theo hướng bỏ hoặc chuyển sang hậu kiểm thủ tục “Xin chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” và thủ tục Cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Qua đó, giản lược số thủ tục, tăng sự thuận tiện cho khách hàng khi tiếp cận dịch vụ điện.

Đình Tú