Nhân rộng mô hình điện mặt trời mái nhà

Thứ tư, 2/12/2020 | 15:05 GMT+7
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng và thách thức biến đối khí hậu, dự án phát triển Năng lượng mặt trời (NLMT) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã giúp người dân, doanh nghiệp tại Đà Nẵng tiếp cận nguồn năng lượng sạch, tiết giảm chi phí hóa đơn tiền điện và góp phần phát triển bền vững thành phố.

Theo báo cáo của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC) - Sở Khoa học và Công nghệ, Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ NLMT để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày. Có thể thấy rằng NLMT tại Đà Nẵng có tiềm năng lớn, phù hợp với việc khai thác, sử dụng loại năng lượng này để phát triển trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai.

Dự án phát triển NLMT tại Đà Nẵng (DSED) được triển khai từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2020 với tổng nguồn vốn hơn 444.000 Euro bao gồm nguồn tài trợ từ EU và vốn đối ứng của DECC. Qua 3 năm triển khai, dự án đã thu được những kết quả tích cực như mục tiêu đặt ra ban đầu. Dự án góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển nguồn NLMT thông qua các hoạt động như xây dựng bản đồ tiềm năng NLMT cho thành phố Đà Nẵng tại trang web http://nlmtdanang.com.vn; ban hành sổ tay phát triển các dự án điện mặt trời lắp mái tại thành phố Đà Nẵng, phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn đối với mô đun quang điện tại Việt Nam; hoàn thành phần mềm ứng dụng NLMT áp mái trên điện thoại thông minh hệ IOS và Android… 

Ban Quản lý Dự án phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng giới thiệu tiềm năng điện mặt trời cho Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam

Ngoài ra, các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý, các nhà đầu tư, hộ gia đình và sinh viên đã góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng nguồn NLMT vào đời sống, từ đó thúc đẩy nhu cầu lắp đặt hệ thống điện NLMT rộng khắp Đà Nẵng. Trong khuôn khổ chương trình, dự án đã hỗ trợ lắp đặt 14 hệ thống điện NLMT mái nhà tại các cơ sở công, trường học, hộ gia đình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng công suất lắp đặt 70,5kWP. Theo tính toán, các hệ thống này mỗi năm tạo ra tổng sản lượng điện khoảng 102.784kWP; tiết kiệm cho mỗi cơ sở công 26 triệu đồng/hộ và mỗi hộ gia đình 8,6 triệu đồng/hộ… Dự tính thời gian hoàn vốn đầu tư lắp đặt ở các cơ sở công, doanh nghiệp vào khoảng 8 năm và ở các hộ gia đình là 6 năm; giảm được 32,5 tấn phát thải CO2 mỗi năm.

Bà Cécile Leroy, Quản lý chương trình phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, sự thành công của dự án tại Đà Nẵng rất quan trọng, tạo tiền đề để Liên minh châu Âu và Việt Nam tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, qua đó hướng đến mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính mà Liên minh châu Âu và thế giới đang hết sức quan tâm. Bà Cécile Leroy cũng đánh giá cao vai trò điều hành, tổ chức triển khai dự án từ thành phố Đà Nẵng cũng như sự hợp tác của người dân, các cơ sở được lựa chọn lắp đặt hệ thống điện mặt trời thuộc dự án trong thời gian qua. Theo bà Cécile Leroy, điều đó cho thấy năng lực nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong việc thực hiện dự án là rất cao, cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Thành ủy Đà Nẵng đã xác định tiếp tục phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được khảo sát, đánh giá, lập dự án và đưa vào quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới chiếm hơn 5% tổng cung năng lượng sơ cấp trên toàn địa bàn thành phố; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới.

Để khai khác hiệu quả tiềm năng điện NLMT, thành phố Đà Nẵng ưu tiên khuyến khích phát triển điện NLMT mái nhà tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, mái nhà xưởng; có cơ chế phát triển điện NLMT trong giai đoạn 2020 - 2025 đạt 80 - 90% trên tổng số các trụ sở công tại địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, công suất lắp đặt trong giai đoạn 2020 - 2025 đạt 22 MW, đến năm 2030 đạt 44 MW, 50% diện tích mái hiện có diện tích từ 5.000m2 trở lên lắp đặt điện mặt trời. 

Bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý dự án phát triển NLMT tại Đà Nẵng cho rằng, để thúc đẩy phát triển điện NLMT mái nhà, Chính phủ cần có cơ chế giá điện mang tính ổn định, có tính dài hạn để người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư hệ thống. “Vòng đời của mỗi dự án điện NLMT khoảng 20 năm. Tuy nhiên cơ chế giá điện hiện mới chỉ 1 năm, 2 năm hay tối đa 5 năm. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế giá điện lâu dài, có tầm nhìn và dài hơi”, bà Thu đề xuất.

Năng lượng tái tạo, đặc biệt là NLMT hiện đang nhận được sự quan tâm lớn nhờ khả năng cung cấp điện năng lớn, thân thiện với môi trường. Xác định một lộ trình đến tương lai xanh là một yêu cầu cấp bách, trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án để sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua ứng dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ để có thể có nhiều hộ gia đình sử dụng NLMT trên địa bàn thành phố.

Theo baodanang.vn