Năng lượng tái tạo

Phát triển NLTT bền vững đảm bảo sinh kế cho người dân

Thứ ba, 23/3/2021 | 15:43 GMT+7
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển về năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là các nguồn năng lượng từ sức gió, năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cần đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đưa ra khái niệm: “NLTT là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác”. Khái niệm năng lượng xanh và năng lượng sạch thường được sử dụng để phân biệt các nguồn năng lượng khi đánh giá tác động của năng lượng đến môi trường.

Thực tế cho thấy, các nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí đang dần cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, sản xuất và sử dụng các nguồn NLTT đã mang lại những lợi ích: góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước.

Ở khía cạnh tích cực, NLTT nói chung mang lại lợi ích về khí hậu, thúc đẩy an ninh năng lượng, cải thiện chất lượng không khí địa phương và sức khỏe con người.. Từng loại NLTT cụ thể sẽ là “một mũi tên trúng nhiều đích” nhờ đa lợi ích cùng lúc. Chẳng hạn, các tấm pin mặt trời nổi trên hồ chứa có thể làm giảm thất thoát nước ngọt do bay hơi ở những khu vực phải chịu tình trạng thiếu nước tại các nước đang phát triển. Lắp đặt các tấm pin mặt trời trên cánh đồng nông nghiệp sẽ gia tăng nguồn thu cho nhà nông, đồng thời tăng thu hoạch của các loại cây ưa bóng. Lắp đặt các thiết bị khai thác năng lượng sóng biển ở nhiều khu vực trọng điểm giúp bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và lũ lụt. Một ví dụ khác là dùng tảo để sản xuất nhiên liệu sinh học vừa tạo ra năng lượng vừa làm sạch chính dòng sông bị ô nhiễm mà tảo sinh trưởng tại đó.

Nhà máy điện mặt trời SinEnergry tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Tuy nhiên, phát triển NLTT rộng khắp có thể gây ra nhiều vướng mắc, nhất là khi không làm tốt các kế hoạch có liên quan. Thông thường, triển khai NLTT đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên đất, dẫn đến phát sinh xung đột đất đai giữa chủ đầu tư với quyền lợi của người dân địa phương, quyền tự do tiếp cận các vùng đất hoang dã của dân chúng và đôi khi với việc chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, việc chặt cây, phát quang đất đai, mở đường cho lắp đặt NLTT làm cho tỷ lệ phá rừng gia tăng, gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học và trong một số trường hợp, chính các biện pháp khuyến khích NLTT lại khiến lượng khí thải toàn cầu tăng lên do rừng bị chặt để lấy củi đốt, duy trì các máy phát điện.

Liên quan đến vấn đề này, PV Năng lượng Sạch Việt Nam đã trao đổi với ông Tô Văn Việt, Giám đốc Nhà máy điện mặt trời SinEnergry tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông Việt cho biết, nhà máy có công suất là 50MW, chủ đầu tư là Công ty TNHH Sinenergy (doanh nghiệp Singapore), vốn đầu tư 1.319 tỷ đồng. Hiện nay, nhà máy đã phát điện và có doanh thu. Trong quá trình triển khai, nhà máy đã thực hiện việc giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng cho người dân, đồng thời chủ đầu tư thu nhận 100% kỹ sư, công nhân, bảo vệ là người địa phương. Họ đều là những lao động chính trong gia đình.

Phát triển NLTT bền vững đảm bảo sinh kế cho người dân

Theo các chuyên gia, hiện nay chưa có thống kê hay báo cáo chính thức nào về việc người nông dân sau khi thực hiện bàn giao đất cho các dự án NLTT, ngoài việc nhận được tiền đền bù và hỗ trợ việc làm thì bao nhiêu % người dân được làm việc tại các nhà máy NLTT, bao nhiêu % chuyển đổi công việc và bao nhiêu % không còn khả năng thay đổi công việc. Tuy nhiên, có thể thấy việc khiếu kiện của người dân trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn, thậm chí nhà máy đã phát điện nhưng người dân còn chưa nhận được tiền đền bù theo quy định.

Điển hình là trường hợp gia đình ông Phạm Văn Lai, xóm 1, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Gia đình ông Lai nhận thông báo thu hồi đất từ đầu năm 2018 để xây dựng Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận 2 tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Qua quá trình đền bù không thỏa đáng, ông Lai đã làm đơn khiếu kiện lên nhiều cơ quan cấp cao như UBND tỉnh Bình Thuận, Thanh tra Chính phủ nhưng chưa có kết quả. Ngày 6/1/2021, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn số 54/UBND-BTCD gửi UBND huyện Tuy Phong đề nghị giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu kiện của ông Lai nhưng đến nay UBND huyện Tuy Phong vẫn chưa có động thái liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Lai trong khi đó Nhà máy điện mặt tời VSP Bình Thuận 2 đã đi vào hoạt động.

Chính vì vậy, việc chuyển dịch năng lượng tái tạo cũng cần đảm bảo công bằng xã hội cho một bộ phận người dân mất đất sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho các dự án. Nên chăng các địa phương cần có chính sách, cơ chế cụ thể, phù hợp hơn nữa để đảm bảo cuộc sống an sinh, xã hội cho người dân.

Đăng Thái