Năng lượng sạch

Phát triển nguồn điện sạch đang là xu hướng tất yếu

Thứ năm, 24/12/2020 | 09:47 GMT+7
Tại TPHCM, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia điện lực vừa phối với đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ nhất.

Ông Nguyễn Thái Sơn, thường trực Hội đồng khoa học tạp chí Năng lượng Việt Nam thông tin, hiện tỷ trọng các nguồn điện sạch đã đạt đến 61% tổng công suất đặt của toàn hệ thống. Chỉ trong vòng 2 năm qua, số lượng các dự án năng lượng tái tạo do tư nhân đầu tư được đưa vào vận hành đã có 11 nhà máy điện gió với công suất 494 MW và 106 nhà máy điện mặt trời có công suất 5.853 MW. Theo thống kê, nguồn điện tái tạo đã được bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và quy hoạch điện các tỉnh có tiến độ vận hành trước năm 2021 gồm 187 dự án điện gió (công suất 11.419 MW), 135 dự án điện mặt trời (công suất 13.617 MW). Ngoài ra còn khoảng 320 dự án điện mặt trời với công suất 34.000 MW và 300 dự án điện gió với công suất khoảng 74.000 MW đang được các địa phương và nhà đầu tư đề xuất bổ sung Quy hoạch trước năm 2021 - 2023. Về điện khí LNG, cũng có 11 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung quy hoạch quốc gia (tổng công suất 16.100 – 16.400 MW).

Điều này khẳng định việc phát triển nguồn điện sạch tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Các khu công nghiệp với diện tích mái rộng có tiềm năng lớn để phát triển ĐMTMN

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu chế xuất – khu công nghiệp – khu công nghệ cao TPHCM cho biết, TPHCM có 18 khu công nghiệp với quy hoạch 3.500 ha, đã đưa vào sử dụng trên 1.500 ha. Đây là điều kiện thuận rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) vì các nhà xưởng trong các khu công nghiệp có mái diện tích rộng. Nếu tính về lợi nhuận khi lắp điện mặt trời trên các mái nhà xưởng thì không cao để doanh nghiệp quan tâm nhưng xét về nhiều lợi ích khác, nhất là việc tạo ra nguồn điện sạch nên nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt. Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có giải pháp tổng thể, tránh chủ trương của Nhà nước thì khuyến khích nhưng “giấy phép con” của các bộ, ngành lại gây khó, tạo rào cản cho doanh nghiệp.

Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM, năm 2013, TPHCM bắt đầu có các hệ thống ĐMTMN nối lưới đấu với tổng công suất 200 kWp nhưng đến năm 2019, công suất ĐMTMN của đơn vị đã lên 66 MWp và tính đến 15/12/2020, tăng vọt lên 245 MWp với gần 12.500 hệ thống ĐMTMN. Năm 2020, riêng TPHCM, tổng sản lượng ĐMTMN phát được khoảng 230 triệu kWh, trong đó lượng đưa vào sử dụng khoảng 161 triệu kWh (chiếm 70%).

Tại Diễn đàn, doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị xung quanh việc sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống ĐMTMN để hạn chế sản phẩm kém chất lượng; thị trường điện mặt trời mới hình thành nên cần có các quy định hướng phát triển bền vững, đầu tư đường truyền tải, kéo dài thời gian áp dụng giá ưu đãi năng lượng tái tạo (FIT) với điện gió, điện mặt trời…

Tùng Lâm