Văn hóa, du lịch

Quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ở thành phố Hà Nội

Chủ nhật, 5/6/2022 | 15:03 GMT+7
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp về công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố luôn được cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở quan tâm, đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các di tích thuộc Sở quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, trung bình mỗi năm (từ năm 2015 đến nay).

Tại các quận, huyện, thị xã, việc phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng, nhờ đó đã triển khai kịp thời và tương đối đồng bộ các biện pháp quản lý di tích tại cơ sở. Nhiều quận, huyện chủ động lập và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn cũng như phối hợp mở lớp tập huấn nâng cao công tác quản lý, bảo vệ di tích.

Nâng cao công tác quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn Hà Nội

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, cuộc họp nhằm huy động sáng kiến, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố thời gian qua; tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, cần chú trọng nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt bởi đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị, ngành văn hóa Thủ đô khẩn trương triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ; thành lập ban chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích; nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở.

Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn, toàn thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, các di tích trên địa bàn thành phố là niềm tự hào của Thủ đô văn hiến; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. 

Vì vậy, trong buổi làm việc, đại diện các Sở, ngành, quận, huyện và người trực tiếp tham gia bảo vệ, trông coi di tích đã cùng đóng góp ý kiến về thực trạng công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; từ đó kiến nghị những sáng kiến, giải pháp, để triển khai có hiệu quả công tác này trong thời gian tới. 

Việt Nga