Nông nghiệp sạch

Số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm

Thứ ba, 28/2/2023 | 10:53 GMT+7
Ngày 28/2, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức diễn đàn Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm.

Diễn đàn Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các tác nhân trong các chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, nắm bắt cơ hội cũng như thách thức trong áp dụng truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm, giúp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Qua đây, các cơ quan nhà nước có thể đưa ra những quy định, hướng dẫn và giải pháp hỗ trợ cũng như những chế tài nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm phù hợp hơn.

Theo đó, thông qua diễn đàn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được cập nhật thông tin liên quan về các quy định, thể chế, chính sách hỗ trợ mới nhất của Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số đóng gói trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản – thực phẩm; được chia sẻ một số cách làm thành công về thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm của một số doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để các cơ quan Chính phủ nắm bắt được khó khăn vướng mắc từ phía các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trong việc áp dụng số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm, từ đó đưa ra định hướng giải quyết phù hợp trong thời gian tới.

Diễn đàn Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm

Phát biểu tại diễn đàn, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, quản lý truy xuất nguồn gốc là kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Việc đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện. Việc kiểm tra đánh giá là căn cứ để cấp mã số hoặc duy trì, phục hồi mã số. Mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu và phải được giám sát bởi cơ quan quản lý để duy trì mã số.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại các địa phương) và kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng”, trong tương lai là phần mềm về “quản lý cơ sở đóng gói”. Trong quá trình triển khai các hệ thống, Cục sẽ kết hợp với chuyên gia trong các lĩnh vực để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan, từ giai đoạn sinh trưởng, phát triển, năng suất, sản lượng của cây trồng cho đến tình hình gây hại hay rủi ro trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến và lưu kho…

Đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Hoài Nam cho biết, Hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được xây dựng với 3 phân hệ chính gồm: cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Tại diễn đàn, ông Howard Hall, cố vấn cao cấp ACIAR chia sẻ, ACIAR luôn hướng đến hỗ trợ cộng đồng nông dân tiếp cận các thông tin liên quan đến thị trường hay thị hiếu người tiêu dùng… trong nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, rau an toàn, cà phê… ACIAR đã luôn tích cực chuyển giao, hỗ trợ nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong đó có việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản.

Ông Howard Hall nhấn mạnh, việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc trở nên minh bạch, qua đó các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng nhất.

Nhân dịp này, các đại biểu, chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận để có giải pháp thúc đẩy lồng ghép phát triển nông sản chất lượng gắn với mức độ uy tín, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngọc Huyền