Năng lượng tái tạo

Thúc đẩy hợp tác song phương Việt – Đức trong ngành năng lượng

Thứ ba, 13/9/2022 | 08:46 GMT+7
Với tuyên bố về phát thải ròng bằng 0 đến 2050 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hợp tác giữa hai chính phủ Việt – Đức trong lĩnh vực năng lượng sẽ chặt chẽ, sâu sắc và diễn ra trên diện rộng hơn trong thời gian tới.

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác để Việt Nam trở thành đối tác dài hạn của CHLB Đức, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ/ESP) đã có những phiên thảo luận với các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương để trao đổi những chủ đề và hoạt động tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển mới, đặc biệt là sau tuyên bố về phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam tại COP26.

Ảnh minh họa

Với sự tham gia thảo luận sôi nổi và tích cực từ đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), Vụ Than và Dầu khí… các bên đã chia sẻ và thống nhất về những nội dung hợp tác trong thời gian tới như: 

Nghiên cứu các quy định hiện hành trong phát triển năng lượng tái tạo, kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các đề xuất điều chỉnh phù hợp.

Nghiên cứu, rà soát và đề xuất các giải pháp bù đắp những khoảng trống pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Nghiên cứu phát triển hydrogen tại Việt Nam.

Nghiên cứu về chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững.

Học tập kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chính sách đấu nối, truyền tải, dự báo nguồn năng lượng tái tạo, giải tỏa nghẽn lưới, các cơ chế giá.

Nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển các nguồn điện với mục tiêu vừa đảm bảo cạnh tranh vừa đầy đủ cung cấp nguồn điện cho quốc gia.

Tiếp tục các nghiên cứu về thị trường điện.

Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào trong phát triển năng lượng tái tạo, kể từ năm 2009 đến nay, Chính phủ Đức đã hỗ trợ Việt Nam 55 triệu Euro thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong ngành năng lượng, thực hiện bởi Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ/ESP. Với tuyên bố về phát thải ròng bằng 0 đến 2050 của Việt Nam, hợp tác giữa hai chính phủ sẽ còn chặt chẽ, sâu sắc và diễn ra trên diện rộng hơn.

An Vinh