Nông nghiệp sạch

Tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững

Thứ sáu, 13/1/2023 | 14:05 GMT+7
Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ ngành nông nghiệp năm 2023.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, ngành NN&PTNT đã có nhiều chuyển biến thực tiễn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở. Giá trị gia tăng toàn ngành đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

Đáng chú ý, trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã chú trọng chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên cũng như vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng...

Ngoài ra, ngành NN&PTNT còn đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực tại các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ ngành nông nghiệp năm 2023

Năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; tác động từ xung đột Nga - Ukraine... Trong hoàn cảnh đó, ngành NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đạt 80%...

Với những mục tiêu đề ra, toàn ngành phấn đấu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ mong Bộ NN&PTNT sẽ phát huy, kế thừa những thành quả và với truyền thống ngành nông nghiệp, năm 2023 tiếp tục phát triển, bứt phá và mạnh mẽ, bền vững hơn.

Theo đó, Thủ tướng đề ra một số giải pháp cho năm 2023. Đó là, việc xây dựng thương hiệu cần làm ngay sau khi quy hoạch; quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm; đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải triển khai nhanh hơn; các địa phương phải chủ động phối hợp cùng Bộ NN&PTNT nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, chống lãng phí, tiêu cực, đi đôi với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý. Về hoạt động xúc tiến thương mại, ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường.

Gia Linh