Từ dọn rác đến xây dựng dịch vụ đô thị thông minh…

Thứ năm, 30/1/2020 | 14:40 GMT+7
Năm 2019, các phương tiện truyền thông trong cả nước liên tục đưa thông tin mới lạ từ Thừa Thiên Huế. Có hai lĩnh vực gây ngạc nhiên là hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh và... dọn rác!

“Thử sức” chính quyền

“Chủ nhật xanh” là một cụm từ quá đỗi thân thuộc với mọi người từ hàng chục năm nay. Lâu lâu lại phát động một lần. Băng cờ, biểu ngữ, ra quân rầm rộ. Nhưng sau một vài tháng... mọi thứ trở về như cũ. Và Thừa Thiên Huế cũng làm “Chủ nhật xanh”, giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm nòng cốt phát động triển khai. Bí thư, chủ tịch, các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh phân công nhau đi chỉ đạo, dọn rác.

“Chủ nhật xanh” triển khai được vài ba tháng, người dân cảm nhận được sự thay đổi. Đường sá sạch sẽ, vỉa hè ngăn nắp, tình trạng xả rác bừa bãi giảm hẳn. Thành phố sạch đẹp hẳn lên, các vùng thôn quê, thậm chí những tuyến đường trên vùng biên giới huyện A Lưới khang trang và rực rỡ sắc hoa. Đây cũng là lúc nhiều lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo đoàn thể địa phương lên tiếng than phiền với lãnh đạo tỉnh: không thể bắt chúng tôi chủ nhật nào cũng đi làm “Chủ nhật xanh”, chúng tôi còn có gia đình, có cuộc sống riêng; nhân viên của chúng tôi phản đối vì đã vi phạm Luật Lao động do tăng giờ làm…

Thông tin Trung tâm Giám sát, điều hành Dịch vụ Đô thị thông minh (gọi tắt là Trung tâm IOC) vừa đi vào hoạt động đã đoạt được giải Nhất tại Telecom Asia Awards 2019, hạng mục l “Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” đã làm nức lòng người dân xứ Huế!

Thế là nhiều đoàn của lãnh đạo Chính phủ đến thăm, hầu như tất cả 63 tỉnh, thành phố đã cử đoàn đến tham quan, nghiên cứu học tập. Phần lớn câu “chốt hạ” trước lúc chia tay của nhiều địa phương là: “Khó mà làm theo được”! Cái “khó” ở đây là gì?

Một trong những dịch vụ của Trung tâm IOC mà người dân tiếp cận thường xuyên chính là “phản ánh hiện trường”. Dịch vụ này kết nối người dân với chính quyền thông qua ứng dụng Hue-S trên điện thoại di động, qua trang web và qua cả mạng xã hội facebook. Ngày đầu tiên triển khai dịch vụ cũng là lúc “Chủ nhật xanh” bắt đầu lan tỏa mạnh.

Người dân lấy ngay dịch vụ này để “thử sức” chính quyền. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, đủ các vấn đề như: vệ sinh môi trường, hạ tầng đô thị, đậu đỗ xe sai quy định, sử dụng xe công sai mục đích, vi phạm trật tự giao thông… đều được đưa lên hệ thống.

Từ chỗ hài lòng với những phản ánh ban đầu được giải quyết kịp thời, nhiều người lại quay sang “nặng lời” với Trung tâm IOC vì những phản ánh khác của họ không được quan tâm giải quyết.

Trung tâm IOC, nơi đầu mối kết nối giữa mong muốn của người dân và năng lực giải quyết của chính quyền, có nguy cơ “vỡ”. Một số người thay vì phản ánh về Trung tâm IOC đã đăng lên trang facebook của mình những lời dèm pha, chế giễu.

Chèo thuyền Sub nhặt rác trên sông Hương

Đương đầu và thay đổi

Thấm thoát, “Chủ nhật xanh” gần tròn một tuổi. Qua giai đoạn đầu có tính chất phong trào, “Chủ nhật xanh” đã đi qua những lúc thăng trầm nhưng sự triển khai vẫn kiên trì như cây xanh bắt đầu bám rễ vào đất. Lực lượng tham gia vệ sinh trực tiếp hàng tuần đã lan tỏa đến các cơ quan, trường học và một số người dân. Ý thức về vệ sinh môi trường toàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Bằng chứng thiết thực nhất cho hiệu quả của “Chủ nhật xanh” chính là môi trường sống ngày trong lành, sạch đẹp hơn.

Những phản ánh bị quá hạn giải quyết trên trang điều hành của Trung tâm IOC ngày một giảm dần, đánh giá hài lòng tăng dần lên và số lượng phản ánh của người dân về Trung tâm cũng càng ngày càng nhiều như khẳng định một sự tin tưởng về sự lắng nghe, tiếp thu và giải quyết của chính quyền đối với hoạt động này.

Đi dọn rác và vận hành các dịch vụ đô thị thông minh có liên quan gì với nhau? Đằng sau những hoạt động tưởng chừng như có vẻ tách rời này là một mục tiêu, triết lý: Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển giàu, đẹp, bền vững. Vấn đề quan trọng nhất để đạt đến đều đó là phải thay đổi một cách triệt để tư duy, cung cách, hiệu quả làm việc của cả hệ thống từ chính quyền, đoàn thể chính trị các cấp cho đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích, doanh nghiệp liên quan trên toàn tỉnh.

“Chủ nhật xanh”, trên cả dọn rác, giúp mọi người nhận diện ra vấn đề: “Chủ nhật xanh” không chỉ là việc chính quyền, đoàn thể đi dọn rác mà phải làm được việc tốt hơn là vận động được người dân dọn rác và không xả rác bừa bãi. Một hệ thống chính quyền, đoàn thể không vận động được người dân làm những việc đáng ra họ nên làm (và không tốn kém tiền bạc của họ) thì cũng không có khả năng vận động người dân làm những việc lớn hơn. Điều này trở thành “thước đo” để kiểm chứng năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, đoàn thể các cấp.

Dịch vụ phản ánh hiện trường của Trung tâm IOC vận hành theo nguyên lý: biến ý kiến phản ánh của người dân thành mệnh lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh gửi trực tiếp đến các đơn vị có chức năng giải quyết vấn đề, không thông qua các khâu trung gian, không bằng công văn giấy tờ - chỉ vận hành trên môi trường mạng. Các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm giải quyết ngay trong thời gian cho phép và phản ánh lại kết quả cho người dân thông qua Trung tâm IOC. Cách thức này không những làm thay đổi hoàn toàn cung cách làm việc của các cấp chính quyền, nó còn thể hiện cam kết quyết liệt, dũng cảm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc đối diện với những vấn đề tồn tại của xã hội. Nếu không giải quyết được những vấn đề được phản ánh, sẽ đánh mất niềm tin, kỳ vọng của người dân. Đây là điểm khó nhất trong vận hành dịch vụ đô thị thông minh, điều không phải ai cũng dám đương đầu.

Cho dù là dọn rác hay xây dựng đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế cũng vẫn đang kiên trì nỗ lực hướng đến xây dựng một chính quyền vững mạnh, đủ sức lắng nghe, giải quyết các nguyện vọng của Nhân dân và cùng với toàn dân chung tay xây dựng một ước mơ Huế, rất riêng, rất Huế, vì hạnh phúc của mỗi người dân, vì sự vững bền của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Theo báo Thừa Thiên Huế online